Lâu nay, Tam Ðảo luôn được xác định là điểm nhấn của du lịch tỉnh Vĩnh Phúc bởi bên cạnh sự hấp dẫn từ lợi thế tự nhiên, lại có vị trí ngay sát Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, nhiều năm qua, khu du lịch với thị trấn nghỉ mát nổi tiếng trên núi chỉ thu hút được lượng khách khá khiêm tốn.
Thực hiện quy hoạch chi tiết, mời gọi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước tạo dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và ngành du lịch tỉnh kỳ vọng sẽ sớm tạo bước đột phá để phát triển Tam Ðảo tương xứng với tiềm năng.
Một góc thị trấn Tam Ðảo, huyện Tam Ðảo, Vĩnh Phúc.
Ðánh thức "Người đẹp"
Chúng tôi lên Tam Ðảo vào những ngày cuối cùng của năm 2017, kh gió mùa đang đổ về mang theo khí lạnh rét buốt. Thị trấn trên núi vùi mình sâu hơn trong lớp chăn mây vần vũ cùng màn mưa phùn lây rây. "Thời tiết như thế này bớt bụi đi nhiều đấy. Cứ như mọi hôm tạnh ráo thì chẳng thấy đường đâu nữa bởi bụi không chịu được!" - anh cán bộ văn phòng của UBND thị trấn Tam Ðảo xuống đón chúng tôi ngoái lại cho biết khi chiếc ô-tô tăng ga vọt qua đoạn công trường làm đường đổ đầy nguyên vật liệu. Như để chuẩn bị tinh thần trước cho chúng tôi, anh bảo: "Thời điểm này, Tam Ðảo như một đại công trường. Chỗ nào cũng xây dựng, nhưng biết làm thế nào được. Các anh cứ chịu khó đợi khoảng hai, ba năm nữa sẽ khác hẳn. Khi đó, cơ sở hạ tầng thị trấn sẽ chẳng kém gì Sa Pa hay Ðà Lạt".
Nói thì như thế, nhưng thật ra khách du lịch vẫn vượt qua lớp bụi mù của công trường làm đường để lên đây, tuy không thường xuyên trong tháng, nhưng cũng vừa đủ kín chật các khách sạn, nhà nghỉ của thị trấn vào các dịp nghỉ lễ, Tết, nhất là mùa hè. Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, Tam Ðảo có một vùng khí hậu nghỉ mát lý tưởng, yên tĩnh và mơ màng trong vẻ đẹp của mây và màn sương mờ bao phủ, vừa lôi cuốn bởi nét kiến trúc đan xen cũ mới của phố núi. Bao quanh thị trấn và trải dài trên các triền núi, thung sâu là hệ sinh thái rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Tam Ðảo như một hệ thống điều hòa lớn, gìn giữ và chở che thị trấn cùng những thôn, bản chung quanh.
Trong câu chuyện với chúng tôi trước đó, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet Nguyễn Tiến Ðạt bày tỏ sự nuối tiếc khi du lịch Tam Ðảo chưa có được sự phát triển tương xứng với tiềm năng của một thị trấn nghỉ mát nổi tiếng lâu nay: "Hiếm có nơi đâu ở miền bắc lại hội đủ một ngày có bốn mùa như Tam Ðảo; lạnh và sương mù vào sáng sớm, trưa có nắng ấm và rét nhẹ về đêm. Bên cạnh vẻ đẹp và sức hấp dẫn từ cảnh quan, thiên nhiên, nơi đây còn có không ít điểm đến có thể kết hợp du lịch dã ngoại sinh thái với văn hóa, tâm linh có thể liên kết thành một tuyến thống nhất như Cổng trời, Thác Bạc, Chùa Vàng, Ðền Bà Chúa Thượng ngàn, Ðền Ðức Thánh Trần, Nhà thờ đá, Tháp truyền hình, Ðỉnh Rùng Rình…
Với dân làm du lịch, kể chừng ấy thôi cũng đủ mường tượng nên cả một "mỏ vàng" có thể khai thác. Tuy nhiên, dù đẹp và hấp dẫn thật, nhưng phần lớn mới ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác nhiều. Lâu nay, cơ sở hạ tầng của khu du lịch thiếu sự đầu tư cần thiết, trong khi sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu. Khách lên đây nghỉ, đi thăm thú vài điểm, nghỉ một đêm, ăn ít bữa rồi về bởi chẳng có dịch vụ vui chơi, giải trí gì níu kéo ở lại thêm. Ðó là điều thật đáng tiếc với Tam Ðảo.
Nhiều người cho rằng, Tam Ðảo giống như một người đẹp đang ngủ vùi trong mây, thậm chí nói quá hơn là "người đẹp bị bỏ quên trên núi". Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước. Còn hiện nay, thị trấn như đang bừng tỉnh giấc khi Trung ương, tỉnh và thị trấn cùng bắt tay vào cuộc với quyết tâm đưa Tam Ðảo trở thành điểm nhấn, đầu tàu đưa du lịch Vĩnh Phúc đi lên. Tuy chưa thật nổi bật, song Tam Ðảo đã và đang là lựa chọn của không ít nhà đầu tư có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bên cạnh con đường lên núi đang nâng cấp, mở rộng; trên khắp các tuyến đường trong thị trấn có thể thấy nhiều công trình kiến trúc được sửa chữa, cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới với quy mô lớn. Trong đó, nhiều dự án dịch vụ cao cấp, vui chơi, giải trí được các doanh nghiệp gấp rút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trên nền cũ khu Dinh toàn quyền Pháp bằng phẳng bên triền núi, một tổ hợp khách sạn có tên gọi Lâu đài Tam Ðảo theo lối kiến trúc châu Âu thời Phục hưng dần hình thành với 200 phòng khách sạn hạng 4 sao có giá trị đầu tư 400 tỷ đồng.
Hiện tại, một khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Ðảo cũng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện với hai khối nhà bốn tầng riêng biệt trên khuôn viên có diện tích hơn 2.200m2, là nơi kinh doanh ẩm thực tập trung, giúp khách khám phá văn hóa ẩm thực địa phương. Dự kiến, khu ẩm thực sẽ đi vào hoạt động vào dịp lễ kỷ niệm 30-4 năm nay, góp phần mang lại mỹ quan đô thị, tạo nhiều việc làm cho người dân thị trấn.
Dẫn chúng tôi tham quan quảng trường và các phố núi quanh co, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Ðảo Ngô Hữu Mai hồ hởi cho biết, khi đường lên Tam Ðảo hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp, việc đi lại thuận lợi hơn, lại gần Sân bay quốc tế Nội Bài, chắc chắn lượng khách du lịch đến với thị trấn sẽ rất đông. Chính vì vậy, thị trấn đang rất cần sự đầu tư đón trước về cơ sở hạ tầng lưu trú, dịch vụ, để không còn tình trạng quá tải, hết phòng nghỉ thường xảy ra vào các dịp nghỉ lễ.
Người dân vui chơi trên quảng trường công viên trung tâm thị trấn.
Tạo đột phá để phát triển
Những lợi thế tiềm năng và điều kiện dường như đang hội tụ để Tam Ðảo "cất cánh". Thực tế, các cấp, ngành tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhận thức rõ những yếu tố này trong bức tranh tổng thể phát triển du lịch. Tập trung đầu tư cho Tam Ðảo, đưa nơi đây trở thành điểm nhấn của du lịch Vĩnh Phúc đã được cụ thể hóa trong các chủ trương, nghị quyết của đảng bộ và chính quyền tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, để phát triển du lịch Tam Ðảo, vấn đề quy hoạch được đặt ra ngay từ đầu, là nền tảng và cơ sở để thu hút đầu tư và phát triển một cách bền vững. Tỉnh đã công bố Quy hoạch Khu du lịch Tam Ðảo I với trung tâm là thị trấn Tam Ðảo, để từ đó hình thành các vùng không gian chức năng, vùng công trình có tầng cao phù hợp địa hình, cảnh quan toàn khu, đồng bộ về hạ tầng và phù hợp với văn hóa địa phương... Trong quy hoạch, thị trấn Tam Ðảo là trung tâm cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi, dịch vụ thương mại, trung tâm thông tin của cả vùng du lịch Tam Ðảo - Ðại Lải - Tây Thiên; đồng thời, giữ vai trò là một trong hai cửa ngõ chính đến Khu du lịch Tam Ðảo II trong tương lai.
Quy hoạch là yếu tố cần thiết và cùng với đó là điểm đột phá về giao thông. Nhiều năm qua, đường lên Tam Ðảo quanh co, chật hẹp với các khúc cua ngoặt hiểm trở đã cản trở không ít khách du lịch lên đây nghỉ dưỡng. Chỉ hơn 10 km từ dưới chân lên đỉnh núi, song con đường thật sự là một thử thách, khó khăn cho các tay lái. Cũng chính vì vậy, đây là điều được các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định khi đầu tư và tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2B, từ cầu chân Suối lên thị trấn Tam Ðảo. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, bao gồm một tuyến chính và hai tuyến nhánh, có tổng chiều dài 12,31 km, mặt đường được mở rộng từ 9 đến 12 m và giảm độ dốc, độ ngoặt tay cua. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối cả hai khu du lịch trọng điểm Tam Ðảo I và Tam Ðảo II, tạo cơ sở liên kết hệ thống du lịch, dịch vụ của khu vực.
Cùng với dự án cải tạo giao thông việc mời gọi đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trú và dịch vụ vui chơi ở Tam Ðảo cũng được triển khai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất tập trung mời gọi những nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và tiềm lực tài chính để thực hiện những dự án quy mô lớn, đồng bộ và lâu dài ở Tam Ðảo như Công ty cổ phần Ðầu tư Lạc Hồng, Tập đoàn Sun Group... Các dự án sẽ được triển khai thi công dứt điểm trong từng giai đoạn từ ba đến 5 năm để có thể đi vào khai thác du lịch một cách hiệu quả, tránh tình trạng xây dựng dây dưa, kéo dài, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đời sống người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hút đầu tư, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công trình, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khuyến cáo các cấp chính quyền và cơ quan chức năng Vĩnh Phúc cần tăng cường giám sát, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch kiến trúc ở Tam Ðảo như đã và đang thấy ở không ít địa phương và các trung tâm, khu du lịch trong cả nước; xây dựng kế hoạch điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất đai, phân khu chức năng và hạ tầng dịch vụ du lịch trên cơ sở rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sử dụng đất đai, mật độ xây dựng công trình phù hợp thực tiễn sử dụng đất đai.
Với quỹ đất xây dựng hạn hẹp trong khu vực thị trấn, nên gộp các lô đất nhỏ lẻ liền kề hình thành các lô có diện tích lớn để xây dựng công trình, bảo đảm tính thẩm mỹ, đáp ứng chất lượng dịch vụ cao. Ðược biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Xây dựng triển khai đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thị trấn Tam Ðảo; tăng cường quản lý kiến trúc công trình, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc đến tiến độ xây dựng; ngăn chặn tình trạng một số công trình thi công chưa đúng giấy phép xây dựng.
Với sự quan tâm và tầm nhìn lâu dài của các cấp, các ngành, hy vọng trong tương lai không xa, Tam Ðảo sẽ là điểm đến hấp dẫn, thuận lợi đối với cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
VĂN PHƯỜNG và TRỌNG CHÀM/nhandan.com.vn