Cập nhật: 06/04/2018 11:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dự vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2018 với mong muốn giành suất dự Cúp bóng đá nữ thế giới 2019. Ðó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi các đối thủ cùng bảng B ở vòng chung kết lần này có đẳng cấp cao hơn hẳn. Nhưng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam trên đấu trường châu Á vừa qua đã là nguồn động lực lớn, thắp lên niềm tin và sức mạnh cho thầy trò HLV Mai Ðức Chung trên hành trình chinh phục đỉnh cao châu lục.

Các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong đợt tập huấn tại Ðức.

Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2018 diễn ra ở Gioóc-đa-ni từ ngày 6 đến 20-4 không chỉ là cuộc đua tranh ngôi vô địch của châu lục mà còn là cuộc đua tranh năm suất dự Cúp bóng đá nữ thế giới 2019 tại Pháp. Nếu cả năm đội bóng đá nữ hàng đầu châu Á bao gồm: Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Nhật Bản góp mặt ở vòng chung kết lần này, những đội bóng ở đẳng cấp thấp hơn như: Việt Nam, Thái-lan, Gioóc-đa-ni sẽ không có nhiều hy vọng. Nhưng việc đội tuyển nữ Triều Tiên vắng mặt ở vòng chung kết đã mở ra cánh cửa dự Cúp bóng đá nữ thế giới 2019 cho các đội bóng yếu hơn, trong đó có đội tuyển nữ Việt Nam.

Hướng đến kết quả tốt nhất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã lên một kế hoạch chi tiết và chu đáo với mục đích dồn sức cho đoàn quân của HLV Mai Ðức Chung "săn" vé đến nước Pháp ở mùa hè năm tới. Ðó là lý do mà bóng đá nữ Việt Nam được xây dựng một kế hoạch chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử tham dự các giải đấu cho đến thời điểm này. Theo đó, thầy trò HLV Mai Ðức Chung có hai đợt tập trung, gồm đợt một từ ngày 3-1 đến 10-2 và đợt hai từ ngày 21-2 đến 2-4. Chất lượng của các đợt tập huấn, rèn quân này cũng khá cao khi đội tuyển nữ Việt Nam được thi đấu giao hữu với các đối thủ mạnh như các đội tuyển nữ: Cô-lôm-bi-a, Thái-lan, Trung Quốc trong đợt đầu tiên và chuyến tập huấn với hai trận giao hữu ở Ðức trong đợt thứ hai.

Ðánh giá về quá trình chuẩn bị, HLV Mai Ðức Chung tỏ ra rất hài lòng, bởi các học trò của ông được thi đấu giao hữu với những đối thủ có trình độ ngang bằng hoặc mạnh hơn. Phong cách chơi bóng của các đội "quân xanh" cũng khác nhau, đã giúp đội tuyển nữ Việt Nam tiếp cận thêm lối chơi mới để có thể biến hóa và linh hoạt hơn mỗi khi xung trận ở các giải đấu chính thức. Cũng chính vì có quỹ thời gian chuẩn bị dài, HLV Mai Ðức Chung đã có nhiều thời gian để rèn thể lực, một điểm bị coi là yếu nhất của các nữ tuyển thủ nước ta.

Thật không may là lá thăm may rủi đã đẩy đội tuyển nữ Việt Nam vào bảng B với các đối thủ rất mạnh, trong đó có đội đương kim vô địch Nhật Bản, đương kim Á quân Ô-xtrây-li-a và đương kim hạng tư là Hàn Quốc (bảng A có các đội tuyển nữ: Trung Quốc, Phi-li-pin, Thái-lan và chủ nhà Gioóc-đa-ni). Với bảng đấu như thế thì hầu hết những người trong giới chuyên môn đều nhận định, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gần như đứng cuối bảng sau vòng bảng. Khi ấy, giấc mơ dự Cúp bóng đá nữ thế giới 2019 của thầy trò HLV Mai Ðức Chung sẽ vô cùng khó trở thành hiện thực. Theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a đứng số một châu Á, hạng sáu thế giới. Ðội tuyển nữ Nhật Bản đứng hạng ba châu Á, xếp thứ 11 thế giới. Ðội tuyển nữ Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm đầu với vị trí thứ tư châu lục, hạng 15 thế giới, trong khi đội tuyển nữ Việt Nam đứng thứ bảy châu Á và thứ 35 thế giới.

Nếu so về thứ hạng của châu Á, khoảng cách chênh lệch giữa đội tuyển nữ Việt Nam và ba đội kể trên không quá lớn, nhưng trình độ thực tế có sự khác biệt rất xa. Ở các lần đối đầu, việc đoàn quân của HLV Mai Ðức Chung ghi được bàn thắng vào lưới đối phương đã khó chứ chưa nói đến việc kiếm điểm. Những con số thống kê đã cho thấy điều đó: Trong năm lần đối đầu, đội tuyển nữ Việt Nam toàn thua đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a và để thủng lưới đến 28 bàn, không ghi được bàn thắng nào. Ðối đầu với đội tuyển nữ Nhật Bản, đội tuyển nữ nước ta đều thua trong cả bốn lần gặp nhau và phải 18 lần vào lưới nhặt bóng, chỉ ghi được một bàn thắng. Trong khi đó, tình hình đối đầu với đội tuyển nữ Hàn Quốc cũng tương tự khi thua cả tám trận, để lọt lướt 31 lần và có hai pha lập công.

Các đối thủ của đội tuyển nữ Việt Nam ở bảng B đều có đẳng cấp vượt xa so với đội tuyển nữ Việt Nam, nhưng khán giả vẫn chờ đợi vào ý chí và quyết tâm của các tuyển thủ nữ nước ta và mong đợi sự kỳ diệu như cách mà đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam vừa thực hiện được. Tinh thần chiến đấu kiên cường, không từ bỏ hy vọng dù trong tình cảnh bị đánh giá là đội "lót đường" ở vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nam U23 châu Á 2018 đã đưa đoàn quân của HLV Pắc Hang-xo tiến đến trận chung kết. HLV Mai Ðức Chung cũng cho rằng, các học trò của ông phải biết lấy chiến công hiển hách của U23 Việt Nam để làm động lực chiến đấu. Ông cho biết: "Ban huấn luyện sẽ gặp từng nhóm cầu thủ để động viên, khích lệ tinh thần. Tất cả chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của từng cá nhân. Biết là rất khó nhưng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ lấy U23 Việt Nam làm bài học. Họ cũng bị đánh giá yếu nhất bảng, nhưng rốt cục đã làm nên lịch sử". Hy vọng đó cũng là kỳ vọng của người hâm mộ cả nước.

Lịch thi đấu của đội tuyển nữ Việt Nam

(theo giờ Việt Nam) tại bảng B

- 20 giờ 45 phút ngày 7-4: đội tuyển nữ Việt Nam - đội tuyển nữ Nhật Bản.

- 0 giờ ngày 11-4: đội tuyển nữ Việt Nam - đội tuyển nữ Ô-xtrây-li-a.

- 20 giờ 45 phút ngày 13-4: đội tuyển nữ Việt Nam - đội tuyển nữ Hàn Quốc.

 

Theo THÀNH HIẾU /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm