Các đại biểu tham dự Hội nghị G20 tại Ác-hen-ti-na. Ảnh ROI-TƠ
Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa kết thúc sau hai ngày làm việc (19 và 20-3) tại thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét, Ác-hen-ti-na. Tham dự hội nghị, có 22 Bộ trưởng tài chính, 17 Thống đốc ngân hàng trung ương và 10 Chủ tịch các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Gim I-âng Kim.
Tại hội nghị, các lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương G20 tập trung thảo luận các vấn đề cốt lõi của kinh tế thế giới hiện nay, như nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng linh hoạt và sẻ chia rộng khắp, tương lai của việc làm với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, những thách thức thuế quốc tế, đặc biệt liên quan số hóa và minh bạch. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về cơ hội và thách thức của thị trường tiền điện tử, nỗ lực giảm khoảng cách về cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Trong tuyên bố được đưa ra vào phiên kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc IMF C.La-gác-đơ bày tỏ lạc quan, khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục được tăng cường, với động lực tăng trưởng hiện nay chiếm hơn 80% tổng GDP của nhóm các nền kinh tế G20. Tổng Giám đốc IMF cho rằng, hiện đang là thời điểm thích hợp để thực hiện các cải cách giúp tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện. Liên quan những lo ngại về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn tới các tranh chấp thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và kinh tế toàn cầu, đại diện IMF cảnh báo việc quay lưng lại với thương mại tự do đồng nghĩa với việc mất đi một động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ðây là hội nghị đầu tiên được G20 tổ chức kể từ khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ký sắc lệnh công bố áp thuế suất mới, lên tới 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào nước này. Chủ trương tăng thuế của Mỹ vấp phải sự phản đối của chính những doanh nghiệp trong nước Mỹ và nhiều nền kinh tế trên thế giới, làm dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bùng phát các cuộc chiến tranh thương mại.
Diễn ra gần như cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Ð.Trăm quyết định áp mức thuế mới đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, vào đầu tháng ba, 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có tiền thân là Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã ký kết thỏa thuận này tại Xan-ti-a-gô, Chi-lê. Việc ký kết CPTPP được dư luận xem như một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ mậu dịch đang “lên ngôi” ở nhiều nơi trên thế giới.
Có quan điểm tương đồng với thỏa thuận CPTPP trước những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ, các đại biểu tại hội nghị của G20 đã thảo luận và thống nhất về một hệ thống tài chính toàn cầu luôn rộng mở, dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế. Ðại diện các nền kinh tế mong muốn, G20 sẽ trở thành một cơ chế hiệu quả để đối mặt với những thách thức toàn cầu trong thời đại mới với những ưu tiên phát triển dựa trên nhu cầu của người dân với góc nhìn mang tính cân bằng và bền vững hơn.