Cập nhật: 10/04/2018 14:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chương trình giáo dục phổ thông mới (bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020) đã đặt ra yêu cầu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh. Yêu cầu đặt ra đối với các trường phổ thông, nhất là trường THCS và THPT, là cần điều chỉnh cách dạy, cách học phù hợp đối tượng học sinh và điều kiện của trường.

Học sinh Trường THCS Diễn Hải (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đọc sách ở thư viện ngoài trời. Ảnh: LONG THÀNH

Giảm kiến thức khó, tránh nội dung trùng lặp

Từ năm học 2017 - 2018, Trường THPT Yên Dũng 3 (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thực hiện khung phân phối chương trình cấp trung học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh (dạy học giảm tải). Trên cơ sở khung phân phối chương trình, trường đã rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình chi tiết các môn của học kỳ I, học kỳ II năm học 2017 - 2018 và các năm học tiếp theo cho từng lớp, phù hợp từng đối tượng học sinh. Thầy giáo Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng 3 cho biết, chương trình chi tiết được nhà trường xây dựng trên cơ sở phân loại năng lực học sinh. Những môn có các bài học rời rạc như trước đây được giáo viên sắp xếp thành chủ đề, chuyên đề; ở các lớp trên không dạy lại các kiến thức mà lớp dưới đã dạy. Chẳng hạn như môn Toán (ở phần thống kê), kiến thức học sinh đã được học ở chương trình THCS, cho nên không dạy lại hết ở chương trình THPT. Chương trình môn Vật lý ở phần thấu kính, mắt, có một số đơn vị kiến thức ở cấp THCS, nhưng lặp lại ở cấp THPT, cho nên giảm một số tiết. Bên cạnh việc giảm tải, trường cũng tăng tiết thực hành đối với các môn có sử dụng máy tính cầm tay như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn xã hội như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... cũng được thiết kế thành các chủ đề, chuyên đề; tăng cường cho học sinh đi thực tế; lồng ghép lịch sử, địa lý của địa phương vào bài học.

Chương trình giảm tải được thực hiện ở tất cả các môn học, trong đó, trường chú trọng các môn thi THPT quốc gia. Việc xây dựng lại khung phân phối chương trình các môn học dựa trên cơ sở tổng số tiết của mỗi môn không thay đổi so với chương trình khung của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT). Nếu bộ môn có sự thay đổi nhiều về nội dung, số tiết khung của các chủ đề thì mỗi giáo viên có phân phối chương trình chi tiết thực hiện từ học kỳ II năm học 2017 - 2018 cho từng lớp được phân công. Ngoài ra, với bộ môn có sự thay đổi ít, giáo viên không nhất thiết phải xây dựng chương trình chi tiết, chỉ cần điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch dạy học phù hợp.

Theo thầy giáo Ngô Quốc Đường, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), để thực hiện tốt việc giảm tải, trường chú trọng xây dựng ma trận đề thi theo bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Sau khi có kết quả các bài kiểm tra một tiết, định kỳ, giáo viên sẽ tăng cường dạy theo hướng vận dụng kiến thức ở mức độ cao đối với học sinh khá, giỏi và giảm vận dụng kiến thức cho học sinh yếu. Vì vậy, chất lượng học sinh khá, giỏi đã tăng lên 60%, số học sinh yếu giảm hơn 30%. Riêng học sinh lớp 12, tỷ lệ khá, giỏi chiếm 68%, tỷ lệ yếu dưới 20%...

Theo Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Hiền, từ năm học 2011 - 2012, nhiều trường phổ thông trên địa bàn đã dạy học giảm tải, nhưng quyết liệt nhất là từ năm học 2014 - 2015 đến nay. Để làm được việc này, bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Sở đã ban hành các văn bản để các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, coi đó là nhiệm vụ chuyên môn. Bậc tiểu học không còn tình trạng quá tải. Với bậc học THCS và THPT, có thể thấy rõ hơn vì chương trình có tính phân hóa người học. Quan điểm của Sở là giảm tải không có nghĩa là bỏ hết, mà căn cứ chương trình, đối tượng người học để giảm hoặc tăng tải phù hợp. Mục đích hướng đến là học sinh đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng. Thông qua giảm tải, phân hóa, nhìn chung giáo viên, học sinh đã cố gắng hơn; kết quả thi tốt nghiệp nói chung, thi THPT quốc gia một số năm gần đây đã tốt hơn, nhất là đối với học sinh các huyện miền núi.

Nâng cao năng lực sư phạm, đổi mới hình thức kiểm tra

Có thể thấy rằng, thông qua việc dạy học giảm tải theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, học sinh không chỉ hào hứng trong học tập, mà còn có ý thức tự học, biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để rèn luyện, phấn đấu, tạo tiền đề quan trọng trong định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt, các trường cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên và rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học. Học sinh Nguyễn Thị Tình, lớp 12 A2, Trường THPT Yên Dũng 3 chia sẻ: Các thầy giáo, cô giáo thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng giảm tải, đã giúp chúng em cảm thấy hứng thú, chủ động sáng tạo hơn trong học tập. Chúng em biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó điều chỉnh cách học, phát huy khả năng tự học và định hướng nghề nghiệp. Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, nhưng em cũng như các bạn cùng khóa không quá lo lắng vì được các thầy giáo, cô giáo trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng học tập và làm bài.

Tại tỉnh Nghệ An, một trong những giải pháp phát triển năng lực, phẩm chất học sinh được Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên) thực hiện là tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp dạy học tích cực; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa để tiếp cận kiến thức mới thông qua nhiệm vụ học tập. Giáo viên dành nhiều thời gian cho học sinh thực hành, trình bày, thảo luận, từ đó nhận xét, đánh giá, bổ sung. Ngoài sách giáo khoa, trường kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng hệ thống tủ sách tại các lớp học. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện linh hoạt, thường xuyên với những phương pháp như: Đánh giá qua các hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, do học sinh báo cáo... thay cho các bài kiểm tra như hiện nay. Thầy giáo Trần Đình Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ khẳng định, cái được lớn nhất trong dạy học giảm tải là giáo viên biết cách giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết, chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn, bảo đảm được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thiện nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, để dạy học giảm tải đạt hiệu quả cao, trước hết cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An tổ chức 140 lớp tập huấn cho gần 6.000 giáo viên cốt cán các bộ môn về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Sở cũng tổ chức 25 lớp tập huấn cho hơn 900 giáo viên cốt cán ở các bộ môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân kỹ thuật biên soạn đề kiểm tra đáp ứng các kỳ thi ở địa phương và quốc gia. Ngành giáo dục Nghệ An khuyến khích giáo viên chủ động giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; bố trí và sử dụng thời gian luyện tập, thực hành cho học sinh thỏa đáng; kết hợp giữa dạy trên lớp và ngoài lớp...

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành, điểm mới của dạy học giảm tải là các trường được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục. Những nội dung nói trên đã được Bộ GD và ĐT chỉ đạo từ nhiều năm qua thông qua các văn bản khác nhau. Có thể nói rằng, cả hai cấp học THCS và THPT đều xây dựng tốt kế hoạch giáo dục nhà trường bằng cách sắp xếp lại các tiết học riêng lẻ trong sách giáo khoa hiện hành thành các bài học theo chủ đề, giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề để tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục; bước đầu khắc phục tình trạng tổ chức hoạt động giáo dục mang tính hình thức do thiếu thời gian, lo “cháy giáo án”.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai dạy học giảm tải còn gặp những khó khăn do nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường chưa đầy đủ. Mặt khác, kỹ năng thực hành sư phạm của một số giáo viên còn hạn chế, cho nên tổ chức hoạt động của học sinh đạt hiệu quả chưa cao; học sinh chưa ghi được bài, chưa tiếp nhận và vận dụng được kiến thức khi học theo phương pháp tích cực, dẫn đến sự hoài nghi, băn khoăn từ phía cha mẹ học sinh và xã hội. Điều quan trọng nhất, mang tính quyết định phát triển năng lực, phẩm chất học sinh là nâng cao chất lượng giáo viên. Vì vậy, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên để bảo đảm thực hiện có hiệu quả phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; sẵn sàng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới.

QUÝ TÙNG và ĐẶNG GIANG

 

Theo nhandan.com.vn

 

 

 

Tệp đính kèm