Tính mở và linh hoạt cùng vai trò quan trọng của công nghệ thông tin - truyền thông và trí tuệ nhân tạo (AI) là hai đặc điểm cơ bản của giáo dục 4.0. Trong ảnh: Sinh viên BTEC FPT nghiên cứu về lập trình Robot thông qua Robot NAO. Ảnh: ĐỨC ANH
Đến sớm nhưng vẫn chậm
Căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu, có thể xác định hai đặc điểm chính của một hệ thống giáo dục mở (GDM - theo cách hiểu và đặc trưng của Việt Nam) là “linh hoạt, liên thông giữa các yếu tố bên trong hệ thống và liên thông với môi trường bên ngoài” (tính chất nội tại của nền giáo dục) và “tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc” (lợi ích mà nền giáo dục ấy mang lại cho người học).
Nhìn lại lịch sử phát triển của GDM, có quan điểm cho rằng GDM tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu những bước chập chững từ năm 2005, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) phối hợp với Công ty Phần mềm và truyền thông VASC triển khai dự án Học liệu mở Việt Nam (Vietnam Open Course Ware, VOCW).
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì GDM đã tồn tại ở Việt Nam từ trước đó khá lâu, và nhiều mô hình GDM từng tồn tại trên thế giới đã được thử nghiệm áp dụng tại Việt Nam. Qua nhiều thời điểm bị gián đoạn, đến đầu thập niên 1990, hai trường “đại học mở” đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được thành lập là Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và Viện đại học Mở Hà Nội vào năm 1993, với sứ mạng phát triển GDM và từ xa. Đây là những nơi cung cấp các chương trình đào tạo mở (được hiểu với nghĩa từ xa và/hoặc không khống chế đầu vào).
Sau đó không lâu, vào năm 1997, khi tỉnh Sông Bé được tách ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, triết lý GDM và sứ mạng phát triển một nền GDM đã từ cái nôi xuất phát của mình là Đại học Mở - Bán công lan rộng ra để phát triển tại tỉnh Bình Dương thông qua trường đại học đầu tiên được thành lập tại địa phương này là Trường đại học Bình Dương. Một năm sau, vào năm 1998, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng thành lập Trung tâm phát triển công nghệ thông tin (thường được biết đến dưới tên gọi tắt tiếng Anh là CITD) với các chức năng nghiên cứu - giảng dạy - sản xuất liên quan đến ngành công nghệ thông tin, trong đó việc giảng dạy được thực hiện từ xa qua mạng (tức mô hình trực tuyến hoặc “GDM thế hệ thứ hai”). Sự thành công của chương trình đào tạo từ xa của CITD đã thúc đẩy các chương trình tương tự trên khắp cả nước mà đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, như một số chương trình trực tuyến ở các trường đại học: Khoa học tự nhiên và Bách khoa (hai trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Kinh tế quốc dân, Đà Nẵng, Thái Nguyên... Có thể nói, hình thức đào tạo trực tuyến hiện nay đã rất phổ biến, và có tại hầu hết các trường đại học lớn ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, cho đến nay GDM của Việt Nam vẫn chỉ làm được một việc duy nhất là cung cấp các chương trình đào tạo đến với người học ở xa (vượt qua khoảng cách địa lý) và không đòi hỏi phải thi đầu vào (xóa bỏ rào cản vô hình mà ở đây là rào cản chính sách), tức dừng lại ở “thế hệ thứ hai” của GDM chứ chưa bước sang được “thế hệ thứ ba” đầy sôi động.
Không những thế, GDM tại Việt Nam luôn đóng vai trò thứ yếu so với giáo dục truyền thống, mà không được nhìn nhận như một thành phần cần thiết, thậm chí là bước đột phá quan trọng trong giáo dục, như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Thật vậy, khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, ta thấy dù các trường đại học mở đầu tiên của Việt Nam đã ra tồn tại một phần tư thế kỷ nay, nhưng chúng ta vẫn không hề có một tên tuổi lớn nào như Sukhothai Thamathirat Open University (STOU) của Thái- lan (thành lập năm 1978) hoặc University of the Philippines Open University (UPOU) của Phi-li-pin (thành lập năm 1995, hai năm sau hai đại học mở của Việt Nam). Có nhiều nguyên nhân cho điều này, trong đó nguyên nhân là tâm lý của toàn xã hội cho rằng điều gì dễ dàng đều có giá trị thấp; giáo dục có chất lượng phải là giáo dục ưu tú với những kỳ thi tuyển gắt gao. Một nguyên nhân quan trọng khác là sự thiếu đầu tư của Nhà nước. Nhưng, quan trọng nhất có lẽ phải kể đến sự chậm đổi mới của tư duy quản lý giáo dục tại Việt Nam.
Tiềm năng và rào cản
Sự tăng tốc phát triển của GDM trong vài thập niên gần đây cũng trùng khớp với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong thời đại kinh tế tri thức. Có thể nói, kinh tế tri thức thúc đẩy nhu cầu học tập, dẫn đến những sáng kiến tháo gỡ rào cản trong học tập để tăng quyền tiếp cận giáo dục cho mọi người, và điều này đến lượt nó lại tăng tốc thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật lên một tầm cao mới. Vì vậy, khi nhìn trên phạm vi toàn thế giới, các sáng kiến liên quan đến GDM đều có xuất phát điểm từ các nước công nghiệp phát triển như Anh, Mỹ, Ca-na-đa.
Thế giới ngày nay đang bước vào một cuộc cách mạng công nghiệp mới (CMCN 4.0), một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi toàn bộ cách thức chúng ta sinh sống, làm việc, sản xuất, và tất nhiên, cả cách chúng ta làm giáo dục. Đã xuất hiện thuật ngữ “giáo dục 4.0”, trong đó người học toàn quyền lựa chọn nội dung, phương pháp, nơi chốn và thời gian học tập và thực tập, thực tế; nơi đó các giảng viên không chỉ giảng dạy mà còn đồng thời là người bạn, người hướng dẫn, người cùng làm việc trong các dự án có người học tham gia; ngược lại, người học cũng không chỉ có nhiệm vụ học tập mà còn là người tham gia các dự án cộng đồng, hỗ trợ giảng viên trong việc truyền đạt kiến thức đến bạn bè đang cùng học.
Nói vắn tắt, hai đặc điểm cơ bản của giáo dục 4.0 chính là tính mở và linh hoạt cùng vai trò quan trọng của công nghệ thông tin - truyền thông và trí tuệ nhân tạo (AI). Đó chính là lý do của sự tăng tốc phát triển của mô hình “giáo dục mở thế hệ thứ ba” với hàng loạt các mô hình mới mẻ như các trường đại học hoàn toàn trực tuyến nơi người học chỉ cần ngồi tại nhà hoặc tại văn phòng và bấm chuột (“click university”), các khóa học trực tuyến mở đại trà (MOOC), các kho tài nguyên giáo dục mở (OER), các phương pháp “học tập di động” (mobile learning) mà người học chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được nối mạng.
Tất nhiên, tư duy quản lý giáo dục lúc này cũng sẽ đòi hỏi một độ mở tương ứng, để có thể chấp nhận rằng quản lý trong thời đại công nghệ 4.0 không thể là, hoặc chỉ là, “kiểm soát sự tuân thủ” mà cần triệt để trao quyền cho các cơ sở đào tạo và tập trung vào việc “kiến tạo sự thay đổi” sao cho phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Tiềm năng của GDM đối với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vô cùng to lớn, và đó cũng là lý do tại sao Nghị quyết 29 về việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam đã nhắc đến GDM vừa như một chủ trương, vừa là mục tiêu và cũng đồng thời là giải pháp để đổi mới nền giáo dục Việt Nam. Hy vọng rằng, với chủ trương đúng đắn và kịp thời này, giáo dục Việt Nam sẽ mau chóng chuyển mình, để tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp chiều 12-3, đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”. Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng. Trong đó, việc “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” được xem là một trong những nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đổi mới.