Cập nhật: 14/04/2018 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vụ một nam sinh lớp 10 ở TP HCM nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành đã cho thấy, việc quan tâm đến tâm lý học trò ở trường học còn hạn chế...

Việc một nam sinh lớp 10 ở TP HCM nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành đang thu hút sự quan tâm của xã hội, khiến nhà trường, các bậc phụ huynh phải suy ngẫm.

Hiệu trưởng của trường học- nơi xảy ra vụ học sinh tự tử đã phải cam kết từ sau vụ việc này, việc đào tạo và quan tâm sâu sát đến tâm sinh lý học sinh của nhà trường sẽ có nhiều thay đổi để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, nhất là trường hợp học kém, bất ổn tâm lý.

Lời cam kết của thầy hiệu trưởng đã cho thấy, việc tìm hiểu sâu sát tâm lý lứa tuổi, nguyện vọng của các em học sinh ở môi trường học đường hiện nay còn hạn chế và cần có những giải pháp kịp thời.

Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - nơi xảy ra vụ nam sinh lớp 10 tự tử (ảnh: Thể thao & Văn hóa)

Tâm lý học đường còn chưa được coi trọng

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, vụ việc học sinh nhảy lầu tự tử ở TP HCM xảy ra ở một trường nội trú- nơi có nhiều học sinh từ các tỉnh thành trên cả nước về trường học tập. Các em học sinh phải sống xa gia đình, thiếu sự quan tâm và khi gặp khó khăn trong học tập, quan hệ bạn bè không biết giãi bày, chia sẻ cùng ai.

Nếu như nhà trường phát hiện những tâm lý bất ổn và có tư vấn, biện pháp xử lý kịp thời thì có thể sẽ không xảy ra sự việc đau lòng.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mỗi trường nên tăng cường chuyên gia tâm lý, nhà giáo tìm hiểu sự thay đổi tính cách, tâm sinh lý, nguyện vọng của lứa tuổi học trò. Ngoài ra, cần huấn luyện giáo viên chủ nhiệm tiếp cận gần gũi với học sinh để các em sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, bày tỏ quan điểm, khó khăn của mình trong cuộc sống.

Nếu nhà trường chỉ “giăng biển” là có phòng tư vấn mà không có sự quan tâm tăng cường đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh thì rất khó để học sinh bày tỏ, chia sẻ suy nghĩ của các em.

Ở những trường nội trú, thầy cô giáo chính là những người thay thế phụ huynh chia sẻ tâm tư, tư vấn tâm lý cho các em. Vì vậy, họ phải gần gũi, theo sát mọi sự thay đổi về tính cách, cảm xúc của học sinh.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần hướng dẫn cho học sinh biết cách cân bằng, xử lý những tình huống tâm lý bất ổn bằng cách giáo dục toàn diện cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm, giảng dạy kỹ năng sống để đủ bản lĩnh bước vào đời, chứ không phải là chỉ có truyền đạt kiến thức.

Áp lực thi cử, điểm số đang đè nặng lên vai học trò

Thực tế hiện nay, áp lực thi cử, điểm số đang đè nặng lên vai học trò khiến nhiều em cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội 

Để giảm bớt áp lực cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhà trường không nên chạy theo “bệnh thành tích”, đối phó với thi cử. Việc khuyến khích học giỏi là đúng nhưng việc tạo ra áp lực với học sinh trong học tập thì có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Nhà trường, các bậc phụ huynh hãy nhìn vào năng lực, phẩm chất, sở thích, nguyện vọng của từng học sinh để có tư vấn học tập, nghề nghiệp phù hợp với các em. Không phải học sinh nào cũng phải vào ĐH, là bác sĩ,  kỹ sư, mà còn có những em đi theo nghề nghiệp khác, chuyển sang học nghề...

Bày tỏ về áp lực thi cử, học hành đã dẫn tới những căng thẳng với học sinh, trong chương trình “Học sinh và áp lực học tập: Từ trầm cảm đến tự tử” do báo Thanh niên vừa tổ chức, TS tâm lý học Phạm Thị Thúy cho rằng, thực tế cho thấy, tình trạng học sinh tự tử gia tăng vào những mùa thi cử. Áp lực học hành, phải đạt điểm số cao trong các kỳ thi khiến nhiều học sinh căng thẳng.

Để hạn chế điều này, TS Phạm Thị Thúy nêu ý kiến là ngành Giáo dục nên thay đổi cách học, cách thi cử và đánh giá ở bậc học phổ thông. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần tạo cho trẻ sức mạnh nội tâm để vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

Chia sẻ về quan điểm giáo dục học trò, TS tâm lý học Phạm Thị Thúy cho rằng, đa phần phụ huynh luôn kỳ vọng vào con. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên so sánh con mình với học sinh khác.

Vì mỗi học sinh có năng lực khác nhau, nếu chúng ta nhìn vào năng lực của một số học sinh khác rồi so sánh với con mình thì vô tình đã làm cho con bị tổn thương, không được coi trọng. Điều này có thể dẫn đến học sinh đó không dám nghĩ, dám làm, bày tỏ quan điểm, chia sẻ cùng ai và có thể dẫn đến trầm cảm, có những hành động đáng tiếc xảy ra./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

 

Tệp đính kèm