Cán bộ Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị) phân tích chất lượng nước biển. Ảnh: ĐĂNG TÚ
Việt Nam là một quốc gia ven biển, có tổng chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km, với một vùng biển rộng hơn một triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; hơn 50% số dân sống ở các tỉnh ven biển. Nhận thức được tầm quan trọng của biển, cho nên đã từ lâu, hướng ra biển, kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng. Tuy nhiên, để phát huy những lợi thế biển mang lại, nhất là phát huy hiệu quả trong khai thác các nguồn lợi từ biển, tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 4 (Khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu tổng quát, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng từ 53% đến 55% tổng GDP của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển…
Trước những yêu cầu nêu trên, những năm qua, công tác điều tra, nghiên cứu biển ở Việt Nam nói chung và nguồn lợi sinh vật biển nói riêng có những bước tiến khá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Những kết quả nghiên cứu, điều tra là cơ sở quan trọng cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng vùng biển, phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái và bảo tồn biển ở các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam. Đánh giá về những kết quả nghiên cứu về hệ sinh thái biển ở Việt Nam thời gian qua, PGS, TS Đỗ Công Thung (Viện Tài nguyên và Môi trường biển) cho biết: Thông qua các nghiên cứu tổng thể về hệ sinh thái biển, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đặc điểm điều kiện tự nhiên của dải ven biển; cung cấp khá hoàn chỉnh những quy luật cơ bản về vật lý biển và hóa học biển, phân bố và biến động của các hệ sinh thái cơ bản biển Việt Nam (hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đầm phá, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều lầy ven biển…). Đáng chú ý, tính đến nay Việt Nam đã điều tra, xác định được danh mục gần 12 nghìn loài sinh vật biển, bao gồm cả động vật và thực vật. Các nghiên cứu đã chứng minh nguồn lợi thủy hải sản Việt Nam phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng hơn 2.000 loài cá, gần 6.000 loài động vật đáy, 653 loài tảo... Trong đó có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá, tôm he, tôm hùm, cua, yến sào, bào ngư, ngọc trai… Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường biển cũng đã được triển khai như sử dụng các loại sinh vật biển có ích để bảo vệ môi trường cho các vùng biển hẹp; nuôi ghép các loài hai mảnh vỏ (vẹm xanh) với nuôi tôm làm giảm bớt ô nhiễm môi trường do thức ăn dư thừa của tôm... Các nghiên cứu cũng đưa ra những cảnh báo về mức độ suy giảm nguồn lợi ven bờ; các nguy cơ đe dọa tài nguyên sinh vật, hủy hoại các hệ sinh thái biển Việt Nam do sức ép dân số, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, công tác nghiên cứu tài nguyên biển nói chung, nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển nói riêng ở Việt Nam hiện còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Không gian và chủ đề nghiên cứu vẫn chủ yếu tập trung ven bờ. Các công trình nghiên cứu cho các vùng biển sâu và biển xa còn hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu khảo sát của nước ngoài, hoặc thực hiện được nhờ các chuyến khảo sát hợp tác quốc tế. Hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính chuyên nghiệp, nội dung thiếu chiều sâu và dàn trải, nhất là thời gian qua có một số đơn vị mới thành lập nghiên cứu về biển, nhưng còn thiếu về phương tiện, chuyên gia và kinh nghiệm. Còn không ít tổ chức, đơn vị không chuyên nhận nhiệm vụ nghiên cứu biển, dẫn đến nhiều công trình nghiên cứu chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, ở Việt Nam, những điều tra cơ bản vẫn còn mang tính chất đơn lẻ và đơn ngành, thiếu các cuộc điều tra tổng hợp theo vùng, miền, trong khi đó mạng lưới quan trắc còn thưa, ít thông số và không liên tục, nhất là chưa có một cơ sở dữ liệu biển quốc gia để thống nhất trong quản lý và trao đổi dữ liệu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới…
Để từng bước khắc phục những bất cập, khó khăn nêu trên, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung điều tra đánh giá đầy đủ, chính xác trữ lượng nguồn tài nguyên biển, nguồn lợi sinh vật biển, nhất là các giá trị mới của tài nguyên như: Dược liệu biển, hóa phẩm biển; ưu tiên cho các nghiên cứu, thăm dò và khai thác các nguồn lợi sinh vật vùng biển sâu và xa. Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các quy trình tiên tiến và công nghệ hiện đại trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; xây dựng và hoàn thiện công nghệ, quy trình xử lý môi trường, ứng phó sự cố môi trường, nhằm giảm thấp nhất các tác hại làm ảnh hưởng nguồn tài nguyên sinh vật biển. Tiếp tục xây dựng các khu bảo tồn biển, các mô hình phục hồi hệ sinh thái, mô hình bảo vệ nguồn lợi đa dạng sinh học biển phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế biển tại các địa phương ven biển.