Ngày 17/4, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết thay vì được tổ chức ba ngày (từ mùng 5-7 tháng Ba âm lịch) như mọi năm, bắt đầu từ năm nay, Lễ hội chùa Thầy được tổ chức thành mùa lễ hội, diễn ra từ mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch với thời gian chính hội vào các ngày mùng 5-7 tháng Ba âm lịch.
Chùa Thầy nhìn từ trên cao với thủy đình lung linh trên mặt nước. (Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam)
Theo ông Phương, từ khi chùa Thầy cùng dãy núi đá Sài Sơn, thôn Hoàng Xá, xã Phượng Cách được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2014, ba pho tượng Di đà tam tôn được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015, di tích này đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Ngay từ Tết Nguyên đán, lượng khách đến chùa Thầy đã tăng cao so với các năm trước. Nếu năm 2017, chùa Thầy thu hút 125.000 lượt khách thì riêng từ đầu năm đến nay, chùa Thầy đã thu hút tới 75.000 lượt khách.
Nhằm phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội chùa Thầy, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách, mùa lễ hội năm nay, huyện Quốc Oai chú trọng phục dựng nguyên bản theo sử sách, dân gian các nghi thức tế, rước trong ngày lễ Mục dục (mùng 5/3 âm lịch) và lễ Tạ Thánh (mùng 7/3 âm lịch). Huyện cũng tham vấn từ các nhà khoa học, từng bước khôi phục trang phục lễ tế truyền thống mang dấu ấn đặc trưng của mỗi thôn làng trong quá trình thực hiện các nghi lễ.
Bên cạnh phần lễ, Ban tổ chức cũng quan tâm khôi phục yếu tố truyền thống trong các hoạt động vui chơi, lao động sản xuất của người dân bản xứ trong phần hội. Cụ thể, nhiều loại hình di sản phi vật thể của địa phương được trình diễn như: Hát Dô (xã Liệp Tuyết), hát Ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa), múa rối nước (xã Sài Sơn), hát chèo (xã Đại Thành), Tuồng (xã Dương Cốc)...
Ngoài việc trình diễn múa rối nước đặc sắc, các trò chơi dân gian truyền thống của người dân ở Sài Sơn như đá cầu, bắt trạch trong chum, bịt mắt đập niêu, kéo co... được tổ chức tại khu vực sân trung tâm trước hồ Long Trì và chùa Long Đẩu.
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá chùa Thầy giữ nguyên bản các điển tích cổ, do vậy lễ hội phải đảm bảo đúng giá trị, khôi phục các trò chơi dân gian cổ để du khách đến cảm nhận nét văn hóa xứ Đoài trong lễ hội. Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai, Trưởng Ban quản lý di tích khẳng định, lễ hội chùa Thầy sẽ được tổ chức đảm bảo không lai căng, không hành chính hóa lễ hội.
Trong các ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức lễ hội không thu vé thắng cảnh để tạo điều kiện cho khách tham quan và trải nghiệm các giá trị truyền thống của lễ hội chùa Thầy. Huyện Quốc Oai cũng đang tính toán bỏ hoàn toàn việc thu vé thắng cảnh tại chùa Thầy để thu hút khách đến tham quan đông hơn.
Hiện nay, huyện Quốc Oai phát huy các giá trị di tích chùa Thầy, xây dựng nơi này thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Huyện từng bước kết nối chùa Thầy với đình So thuộc xã Cộng Hòa, khu du lịch Tuần Châu, xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp, kết nối với sông Đáy và núi Vua Bà nhằm tạo thành chuỗi du lịch hoàn chỉnh, đồng thời mời các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch, đưa khách đến với các di tích, thắng cảnh của Quốc Oai./.
Theo ĐINH THUẬN (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-le-hoi-chua-thay-duoc-to-chuc-thanh-mua-le-hoi/497862.vnp