Cập nhật: 21/04/2018 10:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ông Lê Trọng Anh (Quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu) cho biết, ngày 12-4 vừa qua, đơn vị này đã thu hồi Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 với Vinaca.


Thu hồi giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu với Vinaca

Để thu phục lòng tin của người dân, không gì hơn bằng những giấy chứng nhận "hoành tráng", minh chứng về sản phẩm và thương hiệu vàng của mình. Và Vinaca, cũng đã làm được việc ấy khi sở hữu giấy chứng nhận đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 do Viện Công nghệ chống làm giả (thuộc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí hàng hóa và thương hiệu trao tặng.

Trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử về tiêu chí cấp Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho Vinaca, ông Lê Trọng Anh (Quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu), Thường trực Ban tổ chức chương trình cho biết, tại thời điểm đánh giá và bình chọn cho Vinaca thì đơn vị này chưa có vi phạm pháp luật.

“Chương trình và lễ công bố giấy Chứng nhận đánh giá và truyền thông thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam và hoạt động truyền thông xã hội hóa không phải là buổi lễ trao giải thưởng. Vì vậy, không phải xin cấp phép. Tiêu chí Ban tổ chức trao chứng nhận cho doanh nghiệp là nội dung thương hiệu Vinaca chứ không phải nội dung thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm của Vinaca”, ông Lê Trọng Anh nói thêm: “Vinaca sản xuất và sử dụng sản phẩm sai mục đích thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu với Vinaca.

Về vấn đề kinh phí, ông Anh cho biết đây là hoạt động truyền thông xã hội hóa, các đơn vị tham gia tự nguyện đóng góp để Ban tổ chức trang trải chi phí gồm xây dựng chương trình, truyền thông quảng bá, thuê địa điểm, thuê sóng truyền hình… “Mức đóng góp tự nguyện của các đơn vị tham gia khác nhau nên Ban tổ chức không thông tin cụ thể”, ông Anh nói.

Cũng theo ông Anh, ngày 12-4 vừa qua, Ban tổ chức chương trình đánh giá và truyền thông thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017 đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 với Công ty Vinaca.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao một đơn vị chống hàng giả, hàng nhái lại cấp phép cho Vinaca, Ban tổ chức chương trình cho biết “Ban tổ chức chỉ đánh giá và truyền thông thương hiệu Vinaca chứ không thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm và cấp phép cho các sản phẩm của Vinaca. Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đăng ký, cấp phép lưu hành cho các sản phẩm của Vinaca phải do các cơ quan công quyền quyết định”.

Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu của Vinaca.

Đặc biệt, trong văn bản gửi tới báo chí, đơn vị tổ chức này còn khẳng định, ngày 12-10-2017, Ban tổ chức cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho Vinaca. Nhưng đến chiều 18-4-2018, Bộ Y tế mới có kết luận về sản phẩm Vinaca là sản phẩm thực phẩm chức năng giả. “Cấp Bộ mà còn phải cân nhắc thời gian thì Ban tổ chức làm sao đánh giá được vào thời điểm tháng 10-2017?”, văn bản nêu rõ.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, chỉ những doanh nghiệp lừa bịp người dân mới háo danh hiệu, để lấy đó làm thương hiệu đánh gục niềm tin của người dân mê muội. Chiêu thức lừa ấy không mới, nhưng người dân thì không thể nào biết hết nếu như cơ quan quản lý, cơ quan chức năng không phát hiện và vào cuộc.

Theo ông Hùng, cần xem lại trách nhiệm của đơn vị trao Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho Vinaca. “Một đơn vị chống hàng giả lại trao giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho một công ty sản xuất hàng giả”, ông Hùng nói.

Trách nhiệm của cơ quan cấp phép đến đâu?

Ngày 18-4, Bộ Y tế có phát đi thông tin: Bộ đã tiến hành kiểm tra, xác minh các nội dung báo cáo và kết luận của Sở Y tế Hải Phòng là đúng và chỉ đạo thu hồi toàn bộ các sản phẩm có tên Vinaca của cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng Vinaca nói trên. Và rằng “Sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào cấp phép lưu hành và cũng không được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng”.

Tuy nhiên, ông Trần Hùng đặt câu hỏi, Sở Y tế Hải Phòng đã thật sự làm hết vai trò quản lý nhà nước ở cấp địa phương trong lĩnh vực y tế hay chưa? Trước đó, Sở Y tế Hải Phòng đã cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm, mỹ phẩm cho sáu sản phẩm cho Công ty TNHH Hồng An Phong (địa chỉ: thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng), công ty sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Tên sáu sản phẩm mỹ phẩm được cấp phép.

Kỳ lạ là, trong số sáu sản phẩm này có một sản phẩm mỹ phẩm tên “Ung thư Vi3”, số công bố sản phẩm 04/17/CBMP-HP ngày 28-6-2018. Ông Trần Hùng bày tỏ thắc mắc: Vì sao tên sản phẩm mỹ phẩm là “Ung thư Vi3” mà Sở Y tế Hải Phòng lại vẫn cấp phép là mỹ phẩm? “Cấp cho mỹ phẩm thì ít nhất cũng phải xem hồ sơ có đủ tiêu chuẩn để cấp không? Phải xem tên mỹ phẩm thì cơ quan chức năng mới cấp giấy phép chứ?”, ông Hùng nói.

Mục kích sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ... than tro tre, nứa

Kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng từ... than tro tre, nứa

Bộ Y tế đề nghị xác minh thông tin “thuốc chữa ung thư được làm bằng tro than”

Xử lý nghiêm việc sản xuất sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ than tre

* Không cơ quan thẩm quyền nào cấp phép cho sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2

N.T

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm