Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, BV Trung ương Quân đội 108 vừa tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị dị tật vành tai bẩm sinh hiếm gặp bằng kỹ thuật tạo hình nhiều vạt V-Y.
Bệnh nhi Hoàng Văn L. sinh năm 2012, quê quán Quế Võ, Bắc Ninh bị dị dạng bẩm sinh vành tai 2 bên, vành tai 2 bên bị vùi lấp dưới da đầu. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến một số cơ sở y tế điều trị nhưng không được. Bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và vào điều trị tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình ngày 10/4/2018.
TS.BS Nguyễn Quang Đức, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình cho biết, qua khám lâm sàng nhận thấy: 1/3 trên của cả 2 vành tai bị vùi lấp xương dưới da đầu gây tình trạng biến dạng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bệnh nhân không đeo kính được, về lâu dài có thể gây sang chấn tâm lý.
“Ở bệnh nhân này, sụn vành tai không thiếu nhưng da che phủ vành tai thiếu nên vành tai không vểnh ra ngoài mà bị kéo và vùi sát xương dưới da đầu. Do đó phải phẫu thuật để đưa vành tai ra vị trí bình thường”- TS. Đức cho biết.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật tạo hình vành tai bằng tổ chức tại chỗ. Phương pháp mổ là tạo hình phần da thiếu sau tai bằng nhiều vạt da tại chỗ kiểu V-Y (Multiple V-Y plasty technique), gỡ dính sụn tai. Cuộc mổ được tiến hành vào ngày 12/4/2018, sau 90 phút phẫu thuật đã thành công, 2 vành tai đã được sửa chữa, nhô hoàn toàn ra khỏi da đầu, vành tai trở lại cấu trúc giải phẫu bình thường.
Độ tuổi nào cần phẫu thuật?
TS. Đức cho hay, trường hợp trẻ vùi lấp cả 2 vành tai như ca bệnh trên là trường hợp hiếm gặp, được điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108 đúng thời điểm. Đây là trường hợp dị dạng vùi lấp cả 2 vành tai đầu tiên tiên được sửa chữa bằng kỹ thuật tạo hình nhiều vạt V-Y thành công tại BV.
“Phẫu thuật sửa chữa vành tai bị vùi trong da đầu nhằm giải quyết các vấn đề như che phủ được phần sụn vành tai được nhấc lên, sửa chữa biến dạng sụn tai, giải phóng được vành tai khỏi những dải xơ và những thớ cơ bất thường. Thời điểm phẫu thuật thích hợp là khi trẻ được 5 tuổi trở lên khi hệ thống sụn phát triển gần hết và trẻ dễ dàng tuân thủ với các cách thức điều trị và chế độ chăm sóc.
Phẫu thuật sớm hơn chỉ đặt ra khi dị dạng ảnh hưởng đến khả năng điều trị hỗ trợ về thính giác hoặc khi có nhu cầu đeo kính. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể, đa phần là sử dụng các vạt da tại chỗ, vạt tam giác, tứ giác, tạo hình chữ Z, có thể kèm theo ghép da che phủ nơi lấy vạt….”- TS. Đức phân tích.
Theo các bác sĩ, vành tai bị vùi lấp (Cryptotia) còn được gọi là “tai bỏ túi" (porket ear) biểu hiện bởi tình trạng sụn tai bị chôn dưới da đầu. Biến dạng này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1870. Đây là biến dạng vành tai có tỷ lệ xuất hiện đứng thứ 4 trong các dị dạng vành tai ở người châu Á. Ở Nhật Bản cứ 400 trẻ thì có 1 trường hợp bị dị tật vành tai vùi lấp. Hiện chưa xác định được có liên quan đến yếu tố di truyền hay không, tuy nhiên năm 1993 tác giả Hayashy người Nhật có báo cáo về một gia đình có 6 người đều bị dị tật này. Dị tật thường xuất hiện ở một bên, tai phải hay gặp hơn tai trái.
Bình Nguyên
Theo suckhoedoisong.vn