Cập nhật: 25/04/2018 15:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017, bệnh ho gà ghi nhận số mắc chủ yếu tại miền Bắc với 353 trường hợp dương tính (tổng số 571 nghi mắc) và 3 tử vong; số mắc tăng so với năm 2016. 

Tiêm vắcxin cho trẻ. (Nguồn: TTXVN)

Trong số đó, 133 trường hợp (37,7%) dưới 2 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 111 trường hợp (31,4%) không tiêm chủng, 25 trường hợp (7,1%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 84 trường hợp (23,8%) có tiêm vắcxin.

Thống kê của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho thấy trường hợp mắc ho gà năm 2017 tăng so với 2016, cao nhất là tại Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Đắk Lắk, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... Những trường hợp bệnh biến chứng nặng một phần là do phụ huynh chủ quan, chưa cho con đi tiêm ngừa đúng lịch.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay, bệnh viện đã đón 40 trẻ mắc ho gà vào khám và điều trị. Đặc biệt, nhiều cháu mắc ho gà bị tăng áp lực động mạch phổi, rất nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh có tính lây truyền rất cao

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Khởi đầu, người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Theo điều dưỡng Hồ Thị Bích, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ mắc bệnh thường có cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do kích thích nhỏ. Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh; đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt bình thường.

Ngoài ra, giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới. Ở giai đoạn hồi phục, cơn ho của trẻ sẽ ngắn lại, số cơn giảm và ho còn có thể tồn tại trong vài tuần

Gia đình cần đưa trẻ (dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng) đến bệnh viện khi có những biểu hiện như: trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/ khó thở (cơn ngừng thở kéo dài); co giật…

Cần tiêm đủ 4 mũi vắcxin

Các bác sỹ khuyến cáo với những trẻ mắc ho gà thể nhẹ (số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trong cơn ho không tím mặt), trẻ vẫn ăn uống bình thường thì có thể chăm sóc tại nhà. Gia đình cần cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích; đảm bảo môi trường sống tránh khói thuốc lá, bụi, hóa chất.

Với trẻ đang bú mẹ, mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn, gia đình nên cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.

Đồng thời, cha mẹ nên vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm; có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.

Với trẻ lớn, gia đình cần vệ sinh răng miệng và cho trẻ súc miệng bằng nước muối. Đặc biệt, cha mẹ phải cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh; cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sỹ (nếu có)…

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh ho gà, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh ho gà (vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem, sắp tới được thay bằng vắcxin ComBe Five) đầy đủ, đúng lịch.

Cha mẹ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm vắcxin phòng bệnh ho gà gồm 4 mũi: mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng và mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.

  

Theo THU PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/ho-ga-co-tinh-lay-truyen-rat-cao-can-tiem-phong-du-4-mui-vacxin/498436.vnp

 

Tệp đính kèm