Cập nhật: 02/05/2018 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, trong giáo dục vai trò của những người làm công tác tư vấn, tham vấn học đường ngày càng được coi trọng. Làm tốt công tác tham vấn học đường sẽ góp phần hạn chế những vấn đề, vụ việc tiêu cực gây nhức nhối xã hội như bạo lực học đường, hay hệ lụy xảy ra khi học sinh ứng xử không chuẩn mực. 

Tư vấn tâm lý học sinh tại Trường THPT Mạc Ðĩnh Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TẤN THẠCH

Nhu cầu cao, mô hình đa dạng

Theo các chuyên gia tâm lý học và nhà quản lý giáo dục, để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cần chăm sóc đời sống sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên. Những vụ việc, hiện tượng liên quan đến học sinh, xảy ra ở môi trường học đường như: bạo lực học đường, bạo hành các đối tượng trong trường học, sự đảo lộn các mối quan hệ trong trường học, hay học sinh chán học, nghiện trò chơi điện tử, có hành vi chống đối, bạo lực hay phạm tội, hiện tượng trầm cảm, thậm chí tự tử... khiến xã hội lo lắng. Dù biểu hiện đa dạng nhưng thực trạng nêu trên là những rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi học sinh, có nguồn gốc liên quan đến các lĩnh vực tư vấn học đường cần can thiệp. Theo TS Tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học (ÐH) Giáo dục (ÐH Quốc gia Hà Nội), những vụ như trên có thể phòng ngừa được nếu có một bộ phận giám sát làm công tác tham vấn học đường, kịp thời phát hiện, đưa ra những hỗ trợ ban đầu và có những mạng lưới kết nối để giới thiệu chuyển tuyến cho những trường hợp cần chuyên gia hỗ trợ chuyên sâu hơn.

Khảo sát của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy khoảng 80% số học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư trong trường học để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Nghiên cứu dịch tễ trên bảy tỉnh phía bắc của cán bộ Trường ÐH Giáo dục cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu. "So với các quốc gia phát triển thì chúng ta đang lo lắng nhiều hơn đến việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của học sinh" - TS Trần Thành Nam nhận định. Ở các quốc gia phát triển, công tác tham vấn học đường đã được chú ý từ lâu. Mỗi trường đều có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường được đào tạo bài bản.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, vấn đề tham vấn học đường đã bắt đầu được chú trọng, một số mô hình tư vấn học đường được triển khai thử nghiệm. Tại Hà Nội, có "Trung tâm tư vấn tâm lý" tại Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng; "Trung tâm tham vấn học đường" tại Trường THPT Trần Hưng Ðạo, Trường THPT Nguyễn Tất Thành; "Phòng tâm lý học đường" tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring... Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình "Tư vấn tâm lý trường học" theo đề án của Sở GD và ÐT được thí điểm triển khai từ năm học 2009 - 2010.

Ðào tạo đội ngũ nhân lực chuyên ngành

Mặc dù công tác tham vấn học đường đã được chú ý, nhiều trường học ý thức được vấn đề và đi đầu trong việc thành lập những đơn vị tư vấn trường học. Tuy nhiên để mỗi trường có đủ chuyên gia tham vấn tâm lý, tham vấn học đường được đào tạo bài bản về chuyên môn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo nhận định của PGS, TS Ðặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý: "Trước nhu cầu xã hội ngày càng tăng, sự phát triển các hoạt động tư vấn học đường hiện nay quá yếu, mang tính tự phát, nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị để đáp ứng". Thực tế, hiện hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Ðội ngũ này chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, hay giáo viên dạy Lịch sử, Ðịa lý, cán bộ chuyên trách tại các phòng ban... Bên cạnh đó, mặc dù hằng năm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng năng lực tư vấn, tham vấn của đội ngũ này vẫn bị hạn chế do nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không có nhiều kinh nghiệm thực tế...

Theo nhiều chuyên gia, cần phải tạo lập một hệ thống tư vấn học đường chuyên nghiệp thích ứng với hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục những bất cập của mô hình giáo viên kiêm nhiệm như thực tiễn triển khai thời gian vừa qua. TS Trần Thành Nam cho biết: "Ðến thời điểm hiện tại đã có nhiều trường đào tạo ngành tham vấn nói chung nhưng cần phải có những chuyên ngành đào tạo sâu đi hẳn vào tham vấn học đường vì đối tượng học sinh cần và có những nhu cầu đặc biệt hơn những nhóm khác".

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD và ÐT) cho biết: Theo quy định mới nhất, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ ba đến bảy người. Tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Bộ GD và ÐT đặt mục tiêu hết năm 2018, tất cả những thầy cô tham gia tư vấn học đường phải được đào tạo chuẩn hóa theo chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ. Dự kiến, sẽ có khoảng 70 nghìn giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong hai đến ba năm tới, đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác tham vấn học đường cho khoảng 14 nghìn trường phổ thông trên cả nước. Hiện chương trình bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý đã được nghiệm thu, sau khi được phê duyệt, một số cơ sở đại học được thẩm định sẽ có trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý và cấp chứng chỉ cho giáo viên trong toàn quốc.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm