Cập nhật: 02/05/2018 11:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2017, ngành du lịch Hà Nội đã tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm lưu niệm để phục vụ du khách. Qua đó, góp phần tích cực triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ðẩy mạnh giới thiệu hàng trong nước đến khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó, chú trọng các sản phẩm làng nghề truyền thống là một ưu tiên thời gian tới.

Du khách lựa chọn sản phẩm tại một cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cho biết: "Hà Nội có khoảng 846 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khoảng 200 doanh nghiệp trong nước được cấp phép. Triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở đã có nhiều hoạt động đồng bộ trong việc giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ hay vận động các doanh nghiệp du lịch Thủ đô hưởng ứng cuộc vận động, xây dựng chương trình du lịch khuyến mại kết hợp mua sắm hàng Việt Nam; tôn vinh các doanh nghiệp, nhà sản xuất có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao được người tiêu dùng yêu thích tới các đoàn khách… Qua đó, giúp các đoàn khách trong nước và quốc tế hiểu về sản phẩm hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, vì quyền lợi người tiêu dùng". Sở Du lịch đã tiếp xúc các cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn lớn để tạo điều kiện trưng bày, bán sản phẩm mỹ nghệ của các làng nghề. Bên cạnh đó, Sở khuyến khích các tua du lịch làng nghề. Năm 2017, tổng doanh thu của du lịch Hà Nội đạt 70 nghìn tỷ đồng. Trong số này, doanh thu từ bán các sản phẩm lưu niệm chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Ðể nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch, Sở Du lịch đã xây dựng chuỗi cơ sở mua sắm, ẩm thực đạt chuẩn. Các cơ sở này được lựa chọn từ những cơ sở kinh doanh dịch vụ chất lượng tốt; sau đó, Sở phối hợp các cơ quan hướng dẫn các chủ kinh doanh hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực, cách thức phục vụ khách và tiến hành thẩm định để cấp giấy chứng nhận. Trên địa bàn thành phố hiện có 32 cơ sở kinh doanh, 36 cơ sở dịch vụ ăn uống được gắn biển đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch. Các cơ sở này đã tạo hình ảnh đẹp cho khách du lịch khi đến Thủ đô.

Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong hoạt động du lịch vẫn còn không ít hạn chế. Khách du lịch đến Hà Nội vẫn chưa mạnh tay mua sắm các hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Tại cuộc giám sát của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội tại Sở Du lịch Hà Nội ngày 12-4, đã có nhiều ý kiến chung quanh các giải pháp thúc đẩy khách du lịch sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong nước trên địa bàn Hà Nội. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết: "Hiện nay, trình độ nhân lực của doanh nghiệp vẫn rất yếu và thiếu, dẫn đến việc truyền thông cho hàng Việt gặp nhiều khó khăn. Ðể nâng cao chất lượng cuộc vận động, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới để giá cả hợp lý, phù hợp mặt bằng chung của khu vực. Bản thân các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cần nâng cao nhận thức trong việc cung cấp hàng hóa bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giá rẻ, bảo vệ môi trường làng nghề… Có như vậy, các doanh nghiệp du lịch mới có thể xây dựng các tua đưa khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm".

Một trong những kênh để bán các sản phẩm lưu niệm hiệu quả là phát triển du lịch làng nghề. Nhưng Hà Nội vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Ha noi Tourism Phùng Quang Thắng đưa ra nhận xét: "Các doanh nghiệp muốn phát triển du lịch làng nghề, nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào địa phương, người dân làng nghề. Năm 2017, chúng tôi đã xây dựng tua du lịch nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ. Tiếc rằng những người dân ở đây không vào cuộc, cho nên không thể tạo ra một sản phẩm ưng ý. Khu vực này chưa có quy hoạch về cơ sở hạ tầng, nơi ăn uống, nghỉ ngơi… Hầu hết các làng nghề đều bị ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đòi hỏi các điểm du lịch phải đáp ứng yêu cầu môi trường xanh, sạch, đẹp. Ðiều đó, cho thấy các làng nghề cần phải chú trọng cải tạo môi trường".

Giám đốc Công ty Hanoia (đơn vị sản xuất sản phẩm sơn mài cao cấp) Nguyễn Thị Tuyết Thanh cũng khẳng định: "Khách hàng trong nước có khả năng chi trả khá tốt. Tuy nhiên, đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về mẫu mã, chất lượng, tính năng sử dụng, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Qua học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài, tôi cho rằng, các doanh nghiệp làng nghề có thể liên kết thông qua sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch…, qua đó giúp du khách trải nghiệm tự tay làm các sản phẩm làng nghề; muốn làng nghề phát triển thì cần kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp cung cấp quà tặng với các công ty lữ hành".

Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, cốt lõi của việc thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong du lịch là kết nối cung - cầu thông qua tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm, quảng bá du lịch gắn với sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao. Ông Vũ Hồng Khanh đề nghị, Sở Du lịch tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam; hướng dẫn khách du lịch đến các điểm sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng của các địa phương, vùng, miền. Ngành du lịch cần chủ động tìm kiếm, phát hiện, phát triển chất lượng các điểm đến, trong đó có điểm đến về mua sắm, từ đó xây dựng các mô hình điểm để kết nối các đơn vị sản xuất, lưu thông, dịch vụ, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đến du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Mặt khác, thông qua du lịch phát hiện vấn đề trong sản xuất, lưu thông, tiêu dùng để từ đó có những phản hồi của người tiêu dùng, khách du lịch đối với sản phẩm hàng hóa trong nước.

Theo DÃ LIÊN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm