Cập nhật: 04/05/2018 11:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các cường quốc châu Âu đang bắt đầu lên kế hoạch B, với việc thảo luận biện pháp bảo vệ mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa EU và Iran.

Tổng thống Donald Trump gọi thỏa thuận hạt nhân với Iran là một “thảm họa” và đặt hạn chót đến 12/5 tới, các nước châu Âu phải giải quyết mối lo ngại của Mỹ về Iran. Anh, Pháp và Đức đang cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận chính trị riêng rẽ với Mỹ, trong đó, khẳng định lập trường cứng rắn hơn với Iran.

Thỏa thuận chính trị không bao gồm Iran, Nga và Trung Quốc hay các bên khác của Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo đó, châu Âu sẽ tìm kiếm xoa dịu lo ngại của Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, ảnh hưởng của Iran tại Syria, Yemen, chương trình hạt nhân Iran sau khi một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân hết hiệu lực…

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, các nước châu Âu hiện cũng khá thận trọng về cơ hội thành công của mình và đang bắt đầu đặt ra các viễn cảnh nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua cũng tuyên bố, Iran sẽ không chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi thỏa thuận hạt nhân Iran.

“Iran sẽ không bao giờ đàm phán hay bổ sung vào thỏa thuận mà Iran đã thực hiện rất thiện chí. Mỹ đã liên tục vi phạm thỏa thuận, đặc biệt kêu gọi các nước khác hạn chế hợp tác với Iran. Trong những ngày sắp tới, họ sẽ phải quyết định liệu có tuân theo Thỏa thuận này hay không”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định.

Hiện Pháp, Anh và Đức đều tuyên bố sẽ tiếp tục thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu Mỹ rút, và cố gắng bảo vệ các hoạt động hợp tác thương mại với Iran.

Xuất khẩu của Iran, chủ yếu là dầu và các sản phẩm năng lượng khác tới châu Âu trong năm 2016 tăng 344%, lên 5 tỷ 500 triệu Euro so với những năm trước đó, trong khi đầu tư tại Iran tăng hơn 20 tỷ Euro./. 

 

Theo  Phạm Hà/VOV.VN 

Tệp đính kèm