Cập nhật: 07/05/2018 11:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ tem độc đáo về Hoàng Sa, Trường Sa do lão nông ở An Giang sở hữu đã thể hiện đầy đủ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Với ý tưởng góp phần giáo dục các thế hệ trẻ và giới thiệu rộng rãi với bạn bè thế giới về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Trần Hữu Huệ ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã sưu tập và lưu giữ bộ tem bản đồ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa độc nhất hiện nay.

Tuy tuổi cao nhưng ông Huệ vẫn thường ngày chăm chút từng con tem

Với niềm đam mê sưu tập tem từ nhỏ, đến nay ông Trần Hữu Huệ đã có nhiều bộ tem quý như: bộ tem ngành bưu chính, bộ tem cải cách ruộng đất, bộ tem về Trường Sa, Hoàng Sa...

Theo ông Trần Hữu Huệ, bộ tem về Trường Sa, Hoàng Sa, là bộ tem quý  và mang nhiều ý nghĩa nhất, bởi nó thể hiện đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và đã được Liên minh Bưu chính thế giới công nhận. Trong đó, mẫu tem "Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII – XVIII", có mệnh giá 10 đồng in hình chiếc thuyền buồm căng gió biển và người lính "Đội Hoàng Sa" lực lưỡng, tay cầm chèo, đánh bắt thủy hải sản, tay cầm tù và liên lạc với nhau trên các đảo.

Tem đội Hoàng Sa thế kỷ XVII-XVIII

Còn mẫu tem "Hoàng Sa và Trường Sa" mệnh giá 100 đồng với tựa đề “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ" thể hiện hình bản đồ đất nước Việt Nam cùng với vùng biển, đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bên góc phải thân tem in cận cảnh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng dòng chữ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” do Phan Huy Chú vẽ, chú thích vào thời vua Minh Mạng năm 1838.

Hiện nay, ông Huệ đang có hàng trăm con tem Hoàng Sa và Trường Sa

Bộ tem này mang một thông điệp lịch sử, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện nay, ông đã sưu tập đươc hơn 200 con tem về Hoàng sa và Trường sa.

“Là một người chơi tem, tôi nghĩ rằng mình dùng những mẩu tem để nói lên chủ quyền biển, đảo quốc gia của mình. Gửi những mẩu tem đó đi khắp các nước trên thế giới, để nhận những bì thư đó lại để chứng tỏ rằng, các nước đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", ông Trần Hữu Huệ bày tỏ.

Để có được bộ sưu tập tem với chủ đề “Thế giới công nhận Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam” qua con tem bưu chính, từ năm 2014 đến nay, ông Huệ đã gửi hàng trăm bì thư có dán tem Hoàng Sa, Trường Sa đến hàng trăm nước trên thế giới, với mục đích lấy dấu nhật ấn của các nước đó.

Ông Huệ cho hay, để được một bì thư có dán tem có dấu chứng thực của các nước trên thế giới không dễ dàng chút nào. Nhiều khi gửi thư đi hơn 2 đến 3 tháng, thậm chí cả năm mới nhận được phản hồi. Nhưng tiếc hơn cả là thư gửi đi không được hoàn lại, mất luôn con tem quý mà ông đã dày công sưu tầm. Đến thời điểm này, ông Huệ đã có 76 bì thư dán tem Hoàng Sa - Trường Sa có chứng thực và dấu nhật ấn của 60 nước thên thế giới.

Ông Huệ cho biết: “Để làm cái chuyên đề này,  tôi cần 78 cái bì thư thực gửi, khi mà tìm kiếm, sưu tập, gửi… tôi đã gặp những khó khăn nhất định. Sau nhiều năm gửi đi như vậy, tôi đã gửi 160 cái thư đi các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng cái trở lại với mình cho tới nay thì chỉ có 76 bì thư thôi, còn thiếu hai cái nữa là tôi thực hiện được bộ sưu tập chuyên đề Hoàng Sa- Trường Sa được thế giới công nhận"

Chơi tem là một niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt của ông hơn 50 năm qua. Mặc dù trong cuộc sống hàng ngày phải vất vả bận rộn với việc đồng áng, nhưng ông Huệ vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Ông dành mọi khoảng thời gian có thể để chăm chút từng con tem. 

Hàng trăm bì thư được gửi đi nhiều nước trên thế giới.

Chia sẻ về những tháng ngày cùng chồng sưu tập tem, bà Vương Thị Mùi En, vợ ông Huệ cho biết: “Ông Huệ sưu tập tem từ hồi còn đi học. Thời gian hai vợ chồng lấy nhau còn khó khăn lắm nhưng mà ông ấy vẫn mê tem. Mỗi kỳ thu hoạch lúa, ông bán một ít đi để mua tem. Tôi cũng biết ông ấy đam mê nhưng vẫn làm việc nhà và vẫn biết cùng với tôi nuôi dạy con cái, thành ra tôi vẫn ủng hộ ông ấy. Vì sưu tập tem vừa nâng cao kiến thức, giải trí mà không có hại".

Hiện ông Huệ đang gấp rút hoàn thành bộ sưu tập chuyên đề “Thế giới công nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính” để tổ chức triển lãm. Bằng niềm đam mê và tình yêu với những con tem, ông muốn giới thiệu cho mọi người thấy những giá trị về lịch sử đất nước, góp phần tuyên truyền và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam./.

                                                           

Theo Phan Ánh/VOV.VN

Tệp đính kèm