Cập nhật: 09/05/2018 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

BÀI 2 Chung tay tạo dựng Con đường xanh

Liên kết sẽ tăng thêm sức mạnh, tính bền vững và lực hấp dẫn cho du lịch Tây Nguyên. Liên kết sẽ tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch toàn vùng, xóa bỏ thực trạng phát triển du lịch kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” với những sản phẩm đơn điệu, trùng lặp và nhỏ lẻ. Tuy nhiên, muốn liên kết thành công, cần có một “nhạc trưởng”; cần phải có quy hoạch khoa học và chi tiết; có thể chế chính sách phù hợp; nhất là cần sự vào cuộc tích cực đồng bộ của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các doanh nghiệp…

Du khách quốc tế tham quan thành phố hoa Đà Lạt (Lâm Đồng).

Mỗi nơi một kiểu

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm. Quan điểm của Chính phủ là phát triển du lịch theo hướng tăng cường liên kết giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn vùng. Mục tiêu là đến năm 2020, cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm đặc trưng của vùng, có thương hiệu. Thế nhưng đã ở mốc giữa năm 2018 mà mọi chuyện vẫn chỉ đang vỡ vạc và du lịch Tây Nguyên chưa có sự bứt phá nào. Chuyện liên kết vẫn đang được bàn tiếp.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Trần Hùng Việt nói: “Cần giải bài toán quy hoạch tổng thể và liên kết vùng để khắc phục tình trạng phát triển nhỏ lẻ, cũng như tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch”. Giám đốc Công ty TNHH du lịch Đác Việt (Buôn Ma Thuột, Đác Lắc) Đặng Xuân Vũ chỉ ra nguyên nhân: “Khách du lịch không thể bỏ một số tiền lớn lên các tỉnh Tây Nguyên mà chỉ để xem các lễ hội, thác nước hay thưởng thức ẩm thực na ná nhau. Vì vậy, các tỉnh trong khu vực cần phối hợp để có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Vấn đề cấp thiết là các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường hợp tác, liên kết để cùng khai thác có hiệu quả tiềm năng, tạo ra nhiều tua, tuyến và sản phẩm mang bản sắc Tây Nguyên và có đặc trưng của từng địa phương...”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích: Các tỉnh Tây Nguyên cơ bản có nét tương đồng, do đó, để khai thác phát triển du lịch của các địa phương có cùng tiềm năng không dễ, bởi khách du lịch đến ở nơi này có rồi thì ít khi họ đến nơi khác. Sản phẩm trùng lặp, nếu muốn gắn kết các địa phương thì phải xây dựng thương hiệu chung cho du lịch Tây Nguyên. Hiện thương hiệu chung chưa có, mà mỗi địa phương tự xây dựng cho mình một thương hiệu. Bên cạnh đó, các tỉnh phải ngồi lại để chỉ ra đâu là đặc thù của địa phương, từ đó mới gắn kết sản phẩm giữa các tỉnh Tây Nguyên với nhau. Thí dụ: Ở Đà Lạt là hoa, đến Đác Lắc phải là voi, qua Đác Nông là hệ thống hang động núi lửa, đến Gia Lai là nhà rông… chẳng hạn. Sau khi bàn bạc, xây dựng một chương trình hợp tác, đề xuất lên lãnh đạo tỉnh của các địa phương, rồi gắn kết các doanh nghiệp. Yếu tố chính làm nên thành công là doanh nghiệp, nhưng họ chưa mặn mà lắm trong việc khai thác các sản phẩm chính của du lịch Tây Nguyên để hình thành sản phẩm chung, từ đó đưa khách đến vùng.

Về điều này, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư du lịch và thương mại Đam San (Buôn Ma Thuột, Đác Lắc) Lê Hoàng Cơ chia sẻ: Đối với việc liên kết phát triển du lịch, lâu nay chính quyền các tỉnh có ký kết với nhau nhưng chưa cụ thể hóa, chưa đưa ra cách làm cho các doanh nghiệp mà để các doanh nghiệp “tự bơi”. Bên cạnh đó, giữa các tỉnh trong khu vực chưa có một “nhạc trưởng” trong lĩnh vực này cho nên hầu hết các điểm tham quan, sản phẩm du lịch trùng lặp, giống nhau như tham quan các thác nước, xem diễn tấu cồng chiêng, ăn cơm lam, gà nướng, uống rượu cần... Sự “sao chép” này vừa làm mất tính đặc trưng riêng có của từng tỉnh, vừa tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nhiều người cho rằng, chỉ cần đến một tỉnh là biết được cả ngành du lịch Tây Nguyên. Bởi thế, du khách đến với tỉnh này thì không đến tỉnh khác và việc liên kết không hiệu quả...

Để liên kết thành công...

Tổng cục Du lịch đã nghiên cứu và đưa ra sản phẩm du lịch, tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, kết nối giữa tuyến du lịch “Con đường Di sản miền trung”, trở thành tuyến xuyên suốt từ miền trung đến Tây Nguyên. Rồi ý tưởng khác về mô hình liên kết “Một ngày ăn cơm ba nước, ba quốc gia một điểm đến”, nhằm gắn kết những điểm du lịch, di sản thiên nhiên, văn hóa miền đất cao nguyên với các điểm du lịch của Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan nhưng đến nay cũng chưa được đầu tư triển khai và quảng bá rộng rãi. Vào các năm 2010, 2013, 2015, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn vừa khảo sát tuyến vừa cho các đơn vị lữ hành nghiên cứu, tham khảo. Tuy nhiên, đến nay, tuyến này vẫn chưa phát huy hết giá trị, cũng như cơ hội, tiềm năng để kích cầu du lịch vùng Tây Nguyên. Vấn đề là chưa có cơ chế vận hành hoạt động liên kết, chưa có những doanh nghiệp đầu tàu, đủ mạnh, chưa có những bước triển khai cụ thể. Tây Nguyên cũng đã có Ban điều phối du lịch vùng (thành lập tháng 1-2016) nhưng chưa một lần họp, trong khi chính Ban điều phối này là “nhạc trưởng”, là người gắn kết. Mặc dù mỗi địa phương đều có sản phẩm du lịch, tuyến điểm để nối kết nhưng chưa có sự liên kết các trọng điểm giữa các tỉnh mà chủ yếu xây dựng tuyến nội tỉnh, vì thế chưa phát huy hiệu quả. Các địa phương đã ký hợp tác cũng chưa tổ chức hội nghị luân phiên để đánh giá tình hình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh trao đổi: “Chúng tôi rất mừng khi Bộ VH-TT và DL đã xúc tiến việc ký bản giao kết phát triển du lịch toàn vùng Tây Nguyên, vì điều đó sẽ giúp Đác Nông rất nhiều trong việc liên kết với các địa phương đã phát triển du lịch tốt hơn trong khu vực. Tuy nhiên, sau việc ký giao kết, chưa thấy các động thái tiếp theo. Về phía Đác Nông, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động của khu vực Tây Nguyên, vì liên kết phát triển du lịch là một định hướng đúng đắn”. Cũng theo bà Hạnh, các tỉnh Gia Lai, Đác Lắc, Lâm Đồng đều có sân bay riêng, còn Đác Nông có lợi thế đường bộ gần với TP Hồ Chí Minh, do đó, khi phát triển sản phẩm du lịch Tây Nguyên thì khách du lịch có thể bay đến các sân bay nêu trên, tham quan các điểm tại địa phương rồi di chuyển theo quốc lộ 14 hoặc quốc lộ 28 để đến Đác Nông, sau đó về TP Hồ Chí Minh. Đó là một lộ trình hoàn chỉnh…

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL Đác Lắc Phạm Tâm Thanh, nguyên nhân du lịch Tây Nguyên chưa phát triển là do đầu tư dàn trải, thiếu điểm nhấn, vẫn còn tình trạng mạnh tỉnh nào nấy làm mà chưa có sự liên kết toàn vùng. Thay vì các tỉnh, các doanh nghiệp kết nối với nhau thu hút du khách đến với Tây Nguyên thì lại nặng về cục bộ địa phương. Mặt khác, tuy các tỉnh Tây Nguyên đã ký văn bản hợp tác phát triển du lịch với nhau và với nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng việc liên kết mới chỉ dừng lại ở ý chí của lãnh đạo các địa phương, còn thực tế đang phát triển du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm, tỉnh nào cũng muốn thu hút khách du lịch đến với mình.

Để du lịch Tây Nguyên liên kết thành công, theo chúng tôi, trước hết cần phải có một “nhạc trưởng” có thể điều phối và có tiếng nói chung cho phát triển du lịch toàn vùng. Các tỉnh trong khu vực cần kết nối đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế; phát huy các thế mạnh chung, phải coi đây là những sản phẩm của cả khu vực chứ không nên mạnh ai nấy làm. Các tỉnh cần bàn thảo để xây dựng sản phẩm du lịch chung cho Tây Nguyên và đặc thù từng địa phương. Về phía Chính phủ cũng nên có những hỗ trợ thiết thực cho năm tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào du lịch; có những ưu đãi đặc biệt về hạ tầng, thiết chế văn hóa nhằm tạo động lực cho sự phát triển.

Để phát triển du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, vai trò của Bộ VH-TT và DL, nhất là Tổng cục Du lịch rất quan trọng. Trước hết, Tổng cục Du lịch cần phải hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên về vấn đề quy hoạch; thứ hai là phải có định hướng xây dựng các sản phẩm đặc trưng của từng tỉnh cũng như toàn vùng. Bộ quan tâm chỉ đạo, đôn đốc Ban điều phối thực hiện vai trò của mình để các địa phương xích lại nhau, phát huy tốt hiệu quả của gắn kết sản phẩm du lịch. Bộ cũng nên ưu tiên xây dựng cho vùng một thương hiệu chung, mà nền tảng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là đặc thù và khả thi nhất. Hỗ trợ cho Tây Nguyên trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, nhất là quảng bá ra nước ngoài.

Ban điều phối du lịch Tây Nguyên cũng cần xác định những vấn đề khung của tuyến “Con đường xanh Tây Nguyên” để từ đó các tỉnh hình thành được các tua, tuyến du lịch đặc thù. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành định hướng và tạo dựng hành lang pháp lý để cộng đồng doanh nghiệp và người dân góp sức, chung tay phát triển du lịch Tây Nguyên.

* Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-5-2018.

Tôi cho rằng, đã đến lúc du lịch Tây Nguyên phải liên kết thông qua những việc làm, hành động cụ thể, nếu không cứ mãi phát triển nhỏ lẻ, manh mún, chia cắt theo kiểu địa phương nhỏ hẹp. Phát triển cục bộ sẽ dẫn đến sự trùng lặp, đơn điệu sản phẩm du lịch…

PGS, TS Trần Đình Thiên

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nên liên kết các tỉnh khu vực Tây Nguyên để cùng phát triển cơ sở hạ tầng và thiết kế các loại hình du lịch khác nhau, nhằm quảng bá văn hóa khu vực, phục vụ nhiều đối tượng khách. Từ “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ nối tuyến du lịch đường bộ với vùng đông bắc Thái-lan, nam Lào và Cam-pu-chia…

Bà CHUTATHIN CHAREONLARD

Trưởng đại diện cơ quan du lịch Thái-lan tại TP Hồ Chí Minh

 

Nhóm phóng viên thường trú Tây Nguyên

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm