Cập nhật: 10/05/2018 13:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam chiếm khoảng từ 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 đến 36 triệu người mắc tật khúc xạ. Trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40% ở khu vực thành thị, từ 10% đến 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng ba triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.

Thông tin này được PGS.TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên Bộ môn Mắt, Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa khúc xạ Bệnh Viện Mắt Trung ương chia sẻ trong hội thảo “Những trường hợp khó trong việc khám và điều trị tật khúc xạ ở trẻ em” do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức ngày 10-5.

PGS-TS Nguyễn Đức Anh cho biết ở người trẻ có ba tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị; trong đó tật khúc xạ cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở độ tuổi học đường. Biểu hiện của bệnh nhân mắc ba loại tật khúc xạ khác nhau. Cận thị là trường hợp mắt nhìn xa mờ, nhìn gần bình thường. Viễn thị mắt có thể mờ hay không mờ tùy theo độ viễn thị. Tuy nhiên, người viễn thị hay bị mỏi mắt do mắt phải điều tiết nhiều. Loạn thị là trường hợp mắt nhìn mờ, có thể kèm theo hình ảnh biến dạng.

“Dấu hiệu của tật khúc xạ nhiều khi không rõ ràng khiến cho chúng ta chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm. Mắt có tật khúc xạ sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng học tập, thậm chí gây ra rối loạn khác ở mắt: bị lác, nhược thị… Những dấu hiệu của tật khúc xạ có thể là xem tivi hay sách báo phải lại gần mới thấy, học sinh ngồi học không đọc được chữ, hay nheo mắt khi nhìn, kết quả học tập, lao động giảm… Đối với trẻ em cần được kiểm tra mắt sớm để phát hiện tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời. Nếu được điều chỉnh kính phù hợp mắt được nhìn rõ hơn, có sự phối hợp hai mắt tốt, tránh nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai”, TS Nguyễn Đức Anh nói.

Tại hội thảo, ThS.BS. Rajendra Gyawali, thành viên Viện Khúc xạ nhãn khoa Hoa Kỳ, Chủ tịch Quỹ Better Vision Nepal, giảng viên khúc xạ nhãn khoa tại Maldives, Malawi, Eritra và Việt Nam, giảng viên hợp tác đến từ Bộ môn Mắt, trường Đại học Y Hà Nội cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm khám và điều trị tật khúc xạ của trẻ em.

Theo BS Rajendra Gyawali, đối với trường hợp hơn 18 tuổi, khi độ tật khúc xạ ổn định, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ vĩnh viễn là phẫu thuật. Hiện tại, ngoài phẫu thuật bằng phương pháp Lasik, Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều kỹ thuật điều trị khúc xạ tiên tiến trên thế giới như: Relex Smile, Femto Lasik. Ngoài ra, với những trường hợp độ cận thị tiến triển nhanh, bệnh nhân có thể đặt kính tiếp xúc để điều chỉnh tật khúc xạ.

Nằm trong chương trình chăm sóc mắt cho trẻ em, ngày 8-5, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng đã hợp tác với Bộ môn Mắt, Trường Đại học Y Hà Nội khám sàng lọc cho hơn 1.500 học sinh trường THCS Thăng Long - Ba Đình, Hà Nội.

 

Theo HOÀNG LÂM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm