Vaccine cúm mùa có tên gọi IVACFLU-S do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) chế tạo và sản xuất ngừa được các 3 chủng virus cúm thông thường là A/H1N1/09, A/H3N2 và cúm B.
Sản phẩm vaccine cúm mùa do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Báo Người lao động
IVAC vừa có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về việc chế tạo và sản xuất thành công vaccine cúm mùa ở quy mô công nghiệp. Kết quả trên có được sau thời gian nghiên cứu, sản xuất từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2018.
Vaccine cúm mùa có tên gọi IVACFLU-S do IVAC chế tạo và sản xuất ngừa được các 3 chủng virus cúm thông thường là A/H1N1/09, A/H3N2 và cúm B. Quy trình sản xuất chủng vaccine được thực hiện bằng cách cấy chuyền nhiều đời trên trứng gà với chủng ngừa virus cúm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được thẩm định đạt các tiêu chuẩn chất lượng.
Kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cho thấy vaccine cúm IVACFLU-S đạt tiêu chuẩn chất lượng; đạt yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của WHO và quy định của Việt Nam.
Nếu được cấp phép lưu hành, vaccine này sẽ được bán với giá từ 80.000-120.000 đồng/liều, trong khi hiện nay vaccine cúm mùa ngoại nhập có giá từ 240.000-300.000 đồng/liều.
Với thành công này, IVAC Nha Trang đề xuất cơ quan quản lý nhà nước công nhận dây chuyền sản xuất vaccine cúm ở quy mô 1,5 triệu liều/năm tại IVAC đủ điều kiện sản xuất vaccine cúm dự tuyển sử dụng cho người. Dây chuyền sản xuất vaccine cúm mùa có thể sản xuất và cung ứng trên quy mô lớn, sẵn sàng ứng phó khi có các biến thể virus cúm mới gây dịch hoặc dịch xuất hiện.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai.
Các ca mắc có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa giữa mùa Đông và mùa Xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
WHO ước tính mỗi năm có khoảng 5%-10% người lớn trưởng thành và 20%-30% trẻ em mắc cúm trên thế giới. Trong đó có khoảng 3-5 triệu trường hợp nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong.
Tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu ca mắc cúm thường; các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Từ đầu năm đến nay, tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa nhi đã có hàng trăm bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm khi đến khám. Trong khi đó, với người trưởng thành, nhiều bệnh nhân mắc cảm cúm mùa thường chủ quan, khi nặng mới đến bệnh viện khám thì đã viêm phổi nặng, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng virus mới (lạ) nào tại Việt Nam.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Giữ ấm cơ thể trong mùa Đông, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Tiêm vaccine phòng bệnh cúm.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Theo Chinhphu.vn