Cập nhật: 16/05/2018 09:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau gần một năm được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, Hải Vân Quan không những lại trở thành điểm du lịch hấp dẫn tấp nập du khách gần xa, mà còn tạo điều kiện cho các hộ dân nơi đây có cơ hội mưu sinh trên cung đường đèo tưởng chừng như đã bị quên lãng.

Cảnh quan và môi trường tại di tích đã dần đẹp lên trong mắt du khách

Anh Huỳnh Văn Hòa (quê Sài Gòn làm nghề thợ ảnh dạo trên đỉnh đèo Hải Vân) cho biết: Anh đã làm công việc chụp ảnh dạo được mười năm có lẻ, các địa điểm du lịch, di tích của Đà Nẵng anh đều rành rẽ như hướng dẫn viên “thứ thiệt”, nhưng anh đặc biệt gắn bó với Hải Vân Quan. Theo anh Hòa, trước đây đèo Hải Vân đông khách lắm, xe cộ cũng nhiều, khách tới chụp hình ai cũng trầm trồ khen cảnh đẹp. Nhưng từ khi mở hầm đường bộ người qua đây thưa thớt hẳn. Người chụp ảnh dạo như anh “buồn một phần vì không có khách đã đành, buồn hơn nữa là sợ điểm di tích đặc biệt này bị phôi pha theo ngày tháng”.

Nhưng từ khi Hải Vân Quan được công nhận là di tích lịch sử quốc gia thì nơi đây cũng có nhiều thay đổi, được chính quyền quan tâm hơn, có nhiều hoạt động dọn dẹp vệ sinh thu gom rác thải. Anh chỉ cho chúng tôi xem những thùng rác ngay ngắn, đặt gọn gàng từ dưới đường lên lưng chừng di tích: “Trước đây có nhiều khách du lịch lên chơi, ăn uống xong là vứt hộp, túi nilon bừa bãi. Nhưng từ khi có thùng rác họ cũng có ý thức hơn, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có nhiều biện pháp để gìn giữ Hải Vân Quan cho người dân được hưởng lợi ích từ di tích này”, anh Hòa chia sẻ.

Với những hộ kinh doanh buôn bán thì giờ đây Hải Vân Quan đã mang đến những “tín hiệu vui”. Anh Lê Văn Dũng (1972, trú P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chủ một cơ sở kinh doanh trên đỉnh đèo cho biết, anh cùng gia đình bắt đầu mưu sinh trên đỉnh Hải Vân Quan 33 năm trước. Khi đó anh mới 11 tuổi, theo người thân lên đỉnh Hải Vân thuê mặt bằng để bán cà-phê và thức ăn cho những lái xe khách. Đến nay, vợ chồng anh đã sở hữu một quầy lưu niệm khang trang, bán nước uống, đồ lưu niệm như ngọc trai, vòng cẩm thạch, đá. Anh Dũng cho biết: “Không phải đoàn khách nào cũng mua hàng, có khi họ chỉ dừng chân uống ly nước rồi đi tham quan, nhưng đối với những gia đình quanh năm chỉ biết sống trên núi như chúng tôi thế cũng là vui rồi. Đã trót gắn bó với Hải Vân Quan, nếu nơi này lại hoang vắng như vài năm trước đây thì chúng tôi biết làm gì để sống”.

UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan, đơn vị của thành phố trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích này; bảo đảm việc quản lý, phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành; góp phần nâng cao ý thức bảo vệ di tích của người dân và du khách. Triển khai kế hoạch bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ môi trường, phương án bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự nhằm phục vụ cộng đồng và khách du lịch. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh, những giá trị di sản văn hóa gắn liền với di tích Hải Vân Quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Trước đây, di tích Hải Vân Quan chưa được quan tâm quản lý, bảo vệ và đã xuống cấp trầm trọng. Nhưng việc Hải Vân Quan được xếp hạng di tích cấp quốc gia đã là cơ sở pháp lý quan trọng để cả hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng chung tay quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trên cơ sở chấp hành nghiêm Luật Di sản văn hóa, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ, xây dựng nhằm phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị để Hải Vân Quan trở thành nơi lý tưởng thu hút du khách”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng chia sẻ.

 

Theo MINH CHÂU/baovanhoa.com.vn

Tệp đính kèm