Cập nhật: 16/05/2018 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước dòng khách thuộc nhóm đối tượng trung lưu trở lên có xu thế tăng mạnh tại Việt Nam, các khách sạn cao cấp đang chuyển mục tiêu để khai thác tối ưu dòng khách này.

Du khách đang làm thủ tục nhận phòng tại một khách sạn cao cấp ở TP.HCM

Khách nội “chơi trội” hơn khách ngoại

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, ngành nghề kinh doanh khách sạn tại nước ta đang chiếm lợi thế và có những bước phát triển vượt bậc. Sở dĩ thị trường kinh doanh lưu trú cao cấp đang nóng lên từng ngày vì thời gian qua lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta liên tục tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết năm 2017, tổng cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước là 25.600, với 508 ngàn buồng, tăng 22% so với năm 2016. Trong đó xếp hạng 5 sao có 120 cơ sở lưu trú với gần 35 ngàn buồng, 262 cơ sở lưu trú hạng 4 sao với 34 buồng, hạng 3 sao có 488 cơ sở. Công suất phòng bình quân ước đạt 57%, trong đó hạng 5 sao đạt 85%, 3 sao và 4 sao đạt mức 75%, hạng 1 và 2 sao đạt 55%... Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 150 ngàn tỉ đồng. Đại diện các khách sạn cao cấp cho biết bên cạnh dòng khách lưu trú từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga, Tây Âu, Mỹ, Australia... tăng mạnh, thì nhóm khách trong nước có thu nhập từ mức trung lưu trở lên cũng tăng đáng kể, và hầu hết trong các chuyến đi du lịch nội địa hay công tác họ đều chọn sử dụng dịch vụ tại các cơ sở từ 3 sao trở lên, từ đây khiến các cơ sở kinh doanh phải thay đổi chiến lược kinh doanh, bởi xu hướng hiện nay khách nội đang “chơi trội” hơn khách ngoại. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong dịp tổ chức các hoạt động mở màn Năm Du lịch quốc gia vừa được tổ chức tại địa phương, các cơ sở kinh doanh lưu trú thuộc hàng sao trên địa bàn thống kê khách du lịch nội địa có chi tiêu cao, thích sử dụng các dịch vụ cao cấp đã tăng trưởng cấp số nhân và chiếm thị phần vô cùng lớn. Tương tự đại diện ngành du lịch Đà Nẵng - một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước chia sẻ trong những tháng du lịch thấp điểm, ít khách quốc tế thì chính khách nội địa đã “cứu” các cơ sở lưu trú… Qua đó nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua nhiều cơ sở lưu trú cao cấp quá chú trọng đến việc làm hài lòng dòng khách ngoại mà chưa quan tâm lắm trong việc quảng bá cũng như triển khai các chương trình ưu đãi để hấp dẫn dòng khách nội địa, đã đến lúc các đơn vị cần “nâng niu” khách nội nhiều hơn, để khai thác triệt để “con gà đẻ trứng vàng” này.

Cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực

Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam dự báo thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Việt Nam trong năm 2018 sẽ trở nên đa dạng hơn, bắt kịp các xu hướng thế giới và tiếp tục phát triển cực kì mạnh khi có nhiều lợi thế như đông đảo các tập đoàn: Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh, Empire… tiếp tục đổ vốn đầu tư thêm nhiều cơ sở lưu trú du lịch hạng sang mang tầm cỡ quốc tế ở nhiều vùng trọng điểm như Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… không chỉ du khách và địa phương sở tại sẽ được hưởng lợi từ các dự án này, mà còn góp phần quan trọng giúp cơ sở lưu trú du lịch nước ta hoàn thiện, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và châu Á. Điều đáng lo ngại là hiện số lượng lao động trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch dù tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 50% tổng số lao động trong toàn ngành (hiện có khoảng 400 ngàn người), chất lượng nguồn nhân lực này tại nước ta cũng đang ngày một nâng cao, tuy nhiên tại nhiều trung tâm du lịch lớn của nước ta, tại các khách sạn cao cấp các vị trí như giám sát, quản lý cấp trung và cao cấp vẫn còn thiếu hụt rất nhiều.

Qua đó, các chuyên gia đề xuất bên cạnh những việc mà Chính phủ, cũng như các ngành chức năng, các địa phương cần vào cuộc ngay để tạo điều kiện giúp ngành khách sạn du lịch bứt phá như: đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ban hành các chính sách về cơ chế thu hút các nhà đầu tư… đặc biệt là mở các trường đào tạo nguồn lực du lịch, liên kết nâng cao tay nghề theo chuẩn các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế tại nhiều vùng như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... Có như vậy trong thời gian tới, nguồn lực du lịch Việt mới không bị “lép vế” ngay trên sân nhà.

 Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam

Tại TP.HCM, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia cùng đông đảo đại diện các cơ sở lưu trú đến từ khắp cả nước. Tham gia chương trình, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như: So sánh hiệu quả kinh doanh của khách sạn Việt Nam với các nước Đông Nam Á, triển vọng và xu thế phát triển; Đầu tư vào Condotels và bất động sản nghỉ dưỡng - mức độ hấp dẫn thực sự thế nào? Thị trường và nhà đầu tư được hưởng lợi gì khi Việt Nam ngày càng có nhiều thương hiệu khách sạn mới và các giám đốc điều hành quốc tế… K.HOÀN

 

Theo TRẦN LÂM/baovanhoa.com.vn

Tệp đính kèm