Mới đây, tại TP Ðông Hà (Quảng Trị), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Cùng dự, có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Ðình Dũng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền trung sau sự cố môi trường biển. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự cố môi trường biển xảy ra ở bốn tỉnh miền trung là sự cố lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức sát sao, bằng một hệ thống văn bản công khai, minh bạch. Ban Chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển được thành lập với 19 thành viên, tổ chức 20 cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Các bộ, ngành T.Ư kịp thời vào cuộc, phối hợp chặt chẽ để xác định nguyên nhân và khắc phục hậu quả vi phạm, giám sát chất lượng hải sản, xây dựng chế độ định mức bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường,... Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu xem xét, lắp đặt thêm hệ thống giám sát môi trường tại bốn tỉnh miền trung, bảo đảm để người dân có thể theo dõi các chỉ số quan trắc một cách công khai, minh bạch. "Các bộ, ngành liên quan và địa phương cần tiếp tục thực hiện biện pháp giám sát bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ, không chỉ riêng đối với Formosa mà còn đối với cả dự án khác, nhất là các dự án khu vực ven biển, kiên quyết không để xảy ra sự cố môi trường biển như Formosa lần thứ hai" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển; biểu dương các bộ, ngành T.Ư, bốn tỉnh miền trung và các địa phương trong xử lý sự cố môi trường. Qua xử lý sự cố môi trường cho thấy, người dân đoàn kết hơn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và cán bộ chính quyền hơn, cán bộ trưởng thành hơn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã có các giải pháp quyết liệt trong khắc phục sự cố môi trường biển, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực biển trở lại bình thường, an ninh trật tự ổn định. Ðến nay, nguồn lợi thủy sản đã được phục hồi, sản lượng nuôi trồng thủy sản cao hơn, người tiêu dùng yên tâm sử dụng hải sản. Các bộ, ngành T.Ư cần hướng dẫn một số địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường, thực hiện chính sách an sinh xã hội và triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá phục vụ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản; quan trắc và cảnh báo môi trường tại bốn tỉnh miền trung,... Các địa phương tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng phải chú ý các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm như dự án hóa chất, lọc dầu, xi-măng, sắt thép… trong quá trình thẩm định dự án đầu tư. Về kiến nghị của các địa phương như xử lý bồi lấp cửa biển, xây dựng âu thuyền trú ẩn, quy hoạch đầm phá,... các bộ, ngành T.Ư cần phối hợp địa phương có phương án xử lý theo quy định. Thủ tướng tin tưởng, sự cố môi trường đã được khắc phục thì các tỉnh miền trung có điều kiện vươn lên, kinh tế tăng trưởng bền vững, nhất là phát triển kinh tế biển.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xử lý sự cố môi trường, tính đến ngày 10-5, tổng số kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là 6.516 tỷ đồng; các tỉnh đã chi trả gần 6.429 tỷ đồng, tương đương 98,7% tổng số tiền đã phê duyệt. Người dân vùng biển đã sử dụng tiền đền bù mua sắm ngư lưới cụ, nâng cao năng lực chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và tiếp tục triển khai các mô hình chuyển đổi sinh kế có hiệu quả, bền vững... đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác triển khai khắc phục sự cố môi trường biển kéo dài gần hai năm, chậm so với tiến độ yêu cầu do các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều, đa dạng, phức tạp và chưa có tiền lệ. Ảnh hưởng của sự cố đã tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm, đời sống tinh thần, vật chất của người dân, trong khi đó một số thế lực thù địch, phản động lợi dụng tình hình phức tạp làm mất ổn định an ninh, trật tự xã hội, tiến độ khắc phục sự cố môi trường bị chậm,…
Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế khẳng định đã giám sát chất lượng và sự an toàn của hải sản, nhất là hải sản tầng đáy khu vực biển bốn tỉnh miền trung. Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã bảo đảm an toàn. Bộ Y tế thường xuyên lấy mẫu ở các vùng biển của bốn tỉnh để kiểm nghiệm và cho biết, hiện tại kết quả hàm lượng chất hóa học trong các mẫu hải sản đã ở dưới mức cho phép.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu, cố gắng vượt qua khó khăn, đạt được những thành quả quan trọng, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh. Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị cần tập trung khai thác các lĩnh vực có lợi thế, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập phát triển. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển du lịch gắn với dịch vụ, đưa vào khai thác hiệu quả tuyến du lịch Quảng Trị - Cồn Cỏ,… Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý bổ sung Khu Kinh tế Ðông Nam Quảng Trị vào nhóm khu kinh tế biển được hỗ trợ bằng vốn ngân sách Nhà nước. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành T.Ư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Quảng Trị tạo thêm nguồn lực xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư phát triển,... Bên cạnh sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được, không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Ðường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Ðài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị, tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Theo nhandan.com.vn