Theo Thông báo số 185/TB-VPCP mới đây của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ 1.500 tỷ đồng ngân sách trung ương năm 2018 và bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) để xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển (SLBSBB) ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu; bổ sung 36 triệu USD vốn ODA từ dự án WB9 và dự án GMS1 để lập Quỹ chống biến đổi khí hậu vùng ÐBSCL và tiếp tục tìm các nguồn lực khác bổ sung vào Quỹ.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam mỗi năm bị sạt lở mất hàng chục nghìn ha đất vùng ven sông, ven biển; tốc độ và quy mô mất đất ngày càng lớn, phạm vi ngày càng rộng, trải dài trên cả nước.
Vùng ÐBSCL (chiếm 13% diện tích, hơn 19% dân số, 47% diện tích và 56% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu; 70% sản lượng trái cây và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước) hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực, với tổng chiều dài 148 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm (riêng tỉnh Cà Mau hiện có khoảng hai phần ba diện tích bờ biển bị sạt lở…).
Tình trạng này làm tăng áp lực về nhu cầu vốn đầu tư chống sạt lở và nguồn đất tái định cư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh biển trên cả nước. Áp lực và hậu quả sẽ càng tăng khi kéo dài xu thế bị động trông chờ chi viện từ vốn ngân sách trung ương và chủ yếu chạy theo xử lý hệ quả của tình trạng SLBSBB. Thực tế ngày càng đòi hỏi sự chủ động hơn trong nhận thức, sự quyết liệt hơn trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ các bên liên quan để ứng phó hiệu quả hơn với nguyên nhân dẫn đến SLBSBB cả ở phạm vi địa phương, cũng như cả nước, cả trước mắt và lâu dài.
Theo đó, các ngành, địa phương cần có kế hoạch tổng thể và sự chủ động xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên trách, có trình độ và tâm huyết cao trong việc nghiên cứu, giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống SLBSBB; phổ biến thông tin về các xu hướng, nguy cơ thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng, chống thiên tai nói chung và phòng, chống SLBSBB nói riêng, nhất là nguy cơ mất cân bằng bùn cát, lượng phù sa, thay đổi dòng chảy và tác động sóng biển; hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng chống SLBSBB, nhất là những nơi có địa chất mềm yếu, diễn biến dòng chảy phức tạp; thường xuyên cập nhật các cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp hơn với thực tế, kịp thời thể chế hóa trong Luật Phòng, chống thiên tai làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, cần chủ động tổ chức lập quy hoạch chỉnh trị bờ sông, bờ biển; quản lý tốt việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch, gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhà cửa, xây dựng các cụm, tuyến dân cư và bố trí lại dân cư tránh lũ tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao; xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội vừa có thể phòng tránh nguy cơ sạt lở, vừa có thể kết hợp với việc lấn biển.
Các địa phương chủ động quản lý, sử dụng số kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác đúng mục đích và phân công, phân cấp quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình phòng, chống SLBSBB đúng quy định, bảo đảm an toàn, hiệu quả đầu tư; tăng cường trồng cây, trồng rừng phủ xanh đồi trọc và vùng ngập mặn ven biển, kiểm soát tốc độ tàu thuyền gây sóng lớn và kiên quyết ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác quá mức nước ngầm và cát trái phép dọc các sông, kênh rạch.
Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần chủ động tổ chức hợp tác khoa học quốc gia và quốc tế, hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mê Công để điều tiết dòng chảy, giảm nguy cơ "đói" bùn cát, suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy, xói lở bờ sông, biển ở vùng hạ lưu.
TS Nguyễn Minh Phong
Theo nhandan.com.vn