Chiếc tàu thủy mang tên Akademik Lomonosov- cũng là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới của Nga- vừa được khánh thành tại cảng biển Murmansk ở phía tây bắc nước Nga.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov tại cảng Murmansk ngày 19/5. Ảnh: Sputnik
Con tàu là sản phẩm của Tập đoàn điện nhà nước Rosatom đóng tại Saint Petersburg với chiều dài 144 m, cao 30 m, nặng 21.000 tấn. Trên tàu có 2 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò phản ứng có công suất 35 MW.
Nhà máy điện hạt nhân nổi này sẽ được nạp đầy nhiên liệu tại Murmansk trước khi di chuyển đến vùng Siberia, Sputnik đưa tin.
Dự kiến, vào mùa Hè năm 2019, tàu Akademik Lomonosov (Viện sĩ Lomonosov) sẽ được lai dắt tới cảng Pevek, thuộc vùng tự trị Chukotka, phía đông nam nước Nga để hoạt động phát điện tại khu vực này.
Theo giới chức Nga, nhà máy điện hạt nhân nổi nói trên có thể sản xuất lượng điện đủ cung cấp cho một thị trấn gồm 200.000 dân, gấp 40 lần so với dân số hiện nay ở Pevek (khoảng 5.000 người).
Nhà máy được thiết kế để hoạt động ở vùng cực Bắc và vùng Viễn Đông của Nga mà mục tiêu chính là cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp vùng sâu vùng xa, thành phố cảng, giàn khoan dầu khí.
Lý do người ta sản xuất nhà máy này là các phương án cung cấp điện bằng than đá, khí tự nhiên hay dầu diesel có chi phí cao hơn so với sử dụng con tàu hạt nhân nổi.
Trước đó, việc thử nghiệm nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov được tiến hành từ tháng 7/2016.
Cũng theo, Sputnik tất cả các hoạt động của nhà máy do các nhân viên có trình độ cao được đào tạo đặc biệt ở Nga điều khiển; sử dụng cơ sở hạt hạ tầng nhân và phương tiện tàu của Nga.
Các đơn vị khối điện nổi có thể được điều chỉnh theo các điều kiện khí hậu khác nhau mà vẫn bảo đảm an toàn. Nhà máy được thiết kế có thể chịu được động đất với cường độ 10-12 độ richter và sóng thần, đồng thời không gây hậu quả bức xạ đối với dân cư và môi trường.
Theo Thanh Xuân/Chinhphu.vn