Cập nhật: 27/05/2018 11:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2018, ngành lao động, thương binh và xã hội đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá để tạo ra việc làm ổn định và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ điều này khi báo cáo giải trình trước Quốc hội tại Phiên thảo luận về KT-XH và ngân sách nhà nước, sáng 26/5.

Giải quyết việc làm vượt kế hoạch

Về vấn đề lao động và việc làm bền vững, Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua chúng ta tập trung giải quyết việc làm trong nước đạt 1.639.751 người, đạt 102% kế hoạch. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 134.000 đạt 128%.

Thời gian qua chuyển dịch lao động theo hướng tích cực hơn, hết tháng 4/2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 38,6%. Số lao động làm việc làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%, tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị thấp hơn so với chỉ tiêu...

Tuy nhiên, nhìn tổng thể cho thấy, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn,… thị trường lao động cũng chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.

Bên cạnh đó, việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, thất nghiệp tỷ lệ cao, hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, thanh niên thất nghiệp là 7,51% tăng so với năm 2016. Khu vực thành thị là 11,75%...

Đột phá từ giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2018, ngành lao động, thương binh và xã hội đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá để tạo ra việc làm ổn định và bền vững.

Bộ trưởng cho biết, lần đầu tiên Bộ đã tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản mà trước hết là tập trung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Cho đến nay đã giảm được 252 trung tâm đào tạo ở các huyện, giảm 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không có hiệu quả, thời gian tới đây sẽ giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả, hoạt động không đảm bảo...

Thứ hai, là chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường. Quý I/2018, Bộ thí điểm cho 10 trường ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế để đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong 3 năm 2018-2020. Chỉ riêng một trường Dung Quất, 22 năm qua đào tạo được 18.000 công nhân kĩ thuật và người lao động thì trong 3 năm tới sẽ đào tạo theo địa chỉ là 15.800 trường hợp.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo: Tập trung sớm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 27 về cải cách tiền lương, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động; cụ thể hóa Nghị quyết 28 về cải cách bảo hiểm xã hội nhằm thúc đẩy việc an sinh xã hội trên dân.

Đồng thời, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung 3 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động sẽ triển khai trong quý III/2018. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Theo  Chinhphu.vn

Tệp đính kèm