Thay vì đổ xuống biển một lượng cát lớn, “động cơ cát” tận dụng gió, sóng biển và dòng hải lưu để phân bổ cát dọc bờ biển một cách tự nhiên.
Cuộc diễu hành xe đạp nhân 45 quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan. Ảnh: VGP/Minh Trang
Trong 2 ngày 25-26/5, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan đã tổ chức Ngày hội Hà Lan tại TP. Đà Nẵng với chủ đề “Đầu tư có trách nhiệm và Phát triển đô thị thông minh”.
Chuỗi sự kiện Ngày hội Hà Lan được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Đà Nẵng được chọn là điểm đến đầu tiên, tiếp theo sẽ là Đà Lạt, Hải Phòng với các chủ đề nông nghiệp, hàng hải và biến đổi khí hậu.
Tại Ngày hội Hà Lan, các đối tác đến từ Hà Lan và Đà Nẵng đã cùng bàn thảo về định hướng hợp tác trên lĩnh vực đầu tư, phát triển thành phố thông minh và đổi mới sáng tạo.
Theo Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh, ông Carel Richter, các doanh nghiệp Hà Lan rất chú trọng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Một số doanh nghiệp còn tiến khá xa trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ông Elmar Bouma, Cơ quan xúc tiến đầu tư Hà Lan, nêu lên các yếu tố để tạo nên môi trường đầu tư chất lượng, đó là: tính ổn định của hệ thống luật, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự kết nối với các cơ sở đào tạo. Trong đó, hệ thống luật đóng vai trò quan trọng nhất.
“Chính quyền phải đảm bảo tính bền vững, dễ đoán của hệ thống luật để tạo sự tin cậy cho doanh nghiệp, từ đó mới thu hút được doanh nghiệp. Chúng tôi đặt ra mục tiêu trung và dài hạn, từ đó đề ra các quy tắc, luật lệ nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Elmar nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề đầu tư, lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý bờ biển được nhiều đại biểu đến từ Hà Lan đề cập. Ông Carel Richer cho biết Đà Nẵng đang đối diện với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng xói lở bờ biển. Giải pháp mà Hà Lan mang đến cho Đà Nẵng là sử dụng “động cơ cát”.
Đây là một giải pháp dài hạn, bổ sung thêm cát cho bờ biển hàng năm, giúp giảm xói mòn bờ biển, bảo vệ cư dân ven biển khỏi sóng lớn. Thay vì đổ xuống biển một lượng cát lớn, “động cơ cát” tận dụng gió, sóng biển và dòng hải lưu để phân bổ cát dọc bờ biển một cách tự nhiên, hạn chế tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học tự nhiên và tiết kiệm chi phí so với các giải pháp đang triển khai.
“Để thực hiện chiến lược này, các doanh nghiệp và chính phủ cần nhau hợp tác với nhau. Các công ty tư nhân là những doanh nghiệp phát triển resort rất cần bờ biển nên họ phải có trách nhiệm tái đầu tư để bảo vệ bờ biển thông qua các nguồn thu. Hội thảo ngày hôm nay là dịp để những chuyên gia đến từ Hà Lan, sẵn sàng trợ giúp và chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam để bảo vệ bờ biển Đà Nẵng một cách bền vững, hiệu quả”, ông Carel Richer chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện nay, Đà Nẵng hoàn toàn sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và nhân lực cũng như chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến hợp tác với các đối tác Hà Lan. Thành phố cũng đặc biệt chú ý đến việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả và vận hành chính quyền điện tử.
UBND Thành phố đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh hơn trên 5 lĩnh vực ưu tiên: giao thông, cấp nước, thoát nước, an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối. Đặc biệt, mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý, tăng cường thông tin cho người dân, doanh nghiệp và đã được nhân rộng cho nhiều địa phương khác trên cả nước.
Tại Hội thảo, một số doạnh nghiệp tiêu biểu của Hà Lan đã chia sẻ các giải pháp ứng dụng công nghệ cao để xây dựng thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo.
Trong ngày 26/5, tại Thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã diễn ra cuộc diễu hành xe đạp mang theo logo và thông điệp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước, triển lãm tranh di động trưng bày các tác phẩm của các danh hoạ Hà Lan, giao lưu tư vấn du học...
Theo Minh Tran/chinhphu.vn