Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng (homestay) xuất hiện tại một số vùng nông thôn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Tuy nhiên, mô hình này phần lớn hình thành dưới hình thức tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, rất cần sự định hướng từ phía chính quyền địa phương để hướng tới sự phát triển an toàn, hiệu quả bền vững.
Tuyến đường khu dân cư kiểu mẫu thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Bài 1: Khi nông dân làm du lịch
Du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực để thu hút khách đến với các vùng nông thôn, mà còn tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, đây cũng là một hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả bước đầu
Anh Hồ Văn An, ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vốn là một thợ rừng. Nhiều năm gắn với rừng nhưng đời sống của gia đình anh luôn thiếu trước hụt sau. Ðã có lần, anh cùng nhóm bạn gùi lương thực, thực phẩm xuyên sang Lào rồi Ma-lai-xi-a tìm trầm với mong ước đổi đời, song thất bại. Trở về quê, anh Hồ Văn An được Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Ðất (Oxalis) Nguyễn Châu Á tuyển dụng làm nhân viên gùi cõng thực phẩm, trang thiết bị hỗ trợ khách du lịch (porter) khám phá hang Sơn Ðoòng. Những chuyến đi như thế đã giúp anh hiểu chút ít về du lịch để tìm lối đi cho riêng mình. Năm 2015, anh mở một homestay, đặt tên là Phong Nha Mountain House với ngôi nhà sàn gỗ duy nhất ở Phong Nha và được đặt trong khu vườn dân dã của gia đình. Phong Nha Mountain House có góc nhìn đẹp, gần gũi với thiên nhiên và tạo dấu ấn với khách du lịch. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hồ Văn An chia sẻ: Tại Phong Nha Mountain House đang có các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: lưu trú, thưởng thức đặc sản đồng quê; trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp; đạp xe khám phá nét đẹp làng quê vùng sơn cước… Hiện, gia đình đang xây dựng thêm một điểm dừng chân ngay tại Phong Nha Mountain House để thu hút thêm khách du lịch.
Cũng vốn là thợ rừng rồi chuyển nghề làm thợ sửa điện, nước, anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch cũng mở một homestay cho riêng mình. Kiến thức về loại hình du lịch cộng đồng mà anh Thắng có được đều học hỏi từ những người đã mở homestay trước đó. Vợ anh, nhờ có hơn hai năm làm việc tại Oxalis cho nên tích góp được kiến thức, đảm nhận việc giao dịch với du khách nước ngoài qua trang web và giao tiếp trực tiếp với khách. Nằm ngay trung tâm xã Sơn Trạch, vùng cửa ngõ của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Rustic Homestay của vợ chồng anh Thắng có địa thế thuận lợi, cộng thêm cách thức quảng bá hiệu quả và đã được nhiều du khách lựa chọn. Tuy vậy, dịch vụ chủ yếu của Rustic Homestay mới chủ yếu là lưu trú, kết hợp với số tua du lịch khám phá hang động. Thời gian còn lại, khách tự thuê xe máy hoặc xe đạp khám phá làng quê chung quanh khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Vào mùa du lịch cao điểm, bình quân lượng khách lấp đầy homestay của anh Thắng khoảng 80%, còn bình thường khoảng 40 đến 50%, mang lại nguồn thu khoảng 150 triệu đồng/năm.
Homestay Hồ Khanh ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Không chỉ xây mới mà nhiều homestay tại Quảng Bình, sau một thời gian hoạt động ổn định, còn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô. Sy’s Homestay của anh Lê Văn Sỹ ở thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch là một trong những homestay được xây dựng khá quy mô và bài bản. Anh phải mất một thời gian vào Quảng Nam, ra Sa Pa để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Những chuyến đi này đã mang lại cho anh kiến thức và cách làm du lịch cộng đồng. Anh Lê Văn Sỹ chia sẻ: Homestay không chỉ đơn thuần là dịch vụ lưu trú, mà còn phải biết kết nối và tổ chức các sản phẩm, dịch vụ du lịch tạo thành một tour tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, Sy’s Homestay luôn chú trọng việc tổ chức, sắp xếp chương trình, nhằm làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ cho khách du lịch như cưỡi trâu, tắm sông hoặc tham quan vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng... Ngay từ đầu năm nay, Sy’s Homestay đã chủ động liên kết với các đơn vị lữ hành để bảo đảm nguồn khách ổn định.
Du lịch tại nông thôn mới kiểu mẫu
Nếu như tại Quảng Bình, du lịch cộng đồng xuất phát từ những hộ gia đình, cá nhân đơn lẻ thì tại Hà Tĩnh, đã bước đầu hình thành những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu chung sức làm du lịch. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, ý tưởng biến các làng quê nông thôn mới trở thành sản phẩm du lịch đã được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đưa ra và bắt tay vào thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh Lê Trần Sáng: Tỉnh định hướng, lựa chọn ba địa phương: xã Tiên Ðiền (huyện Nghi Xuân), thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) là những địa điểm sẽ triển khai du lịch trải nghiệm cộng đồng. Nếu xã Tiên Ðiền được lựa chọn nhờ có Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du và địa phương này đang bảo tồn, lưu giữ được các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc sắc thì làng Nam Sơn được lựa chọn nhờ lợi thế nằm sát khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Sót và xã Cẩm Nhượng được lựa chọn bởi danh tiếng của làng nghề chế biến nước mắm Cửa Nhượng. Hiện nay, thôn Phong Giang (xã Tiên Ðiền) là đơn vị đầu tiên ở Hà Tĩnh mở cửa đón du khách về tham quan, trải nghiệm.
Chủ tịch UBND xã Tiên Ðiền Phạm Ngự Bình cho biết: Bên cạnh lợi thế nằm sát Khu lưu niệm Ðại thi hào Nguyễn Du, thôn Phong Giang mang trong mình đầy đủ hình hài của một khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn với đường làng sạch sẽ, thông thoáng, nhà cửa được xây dựng với kiến trúc đặc trưng của địa phương, tình hình an ninh trật tự ổn định, người dân thân thiện, hiếu khách.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Phong Giang Lê Xuân Thú, cuối năm 2017, sau khi được lựa chọn là địa điểm đón du khách về tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá cuộc sống làng quê, các hộ dân ở Phong Giang đã cải tạo, nâng cấp khuôn viên nhà cửa, vườn hộ và trang bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân của du khách. Các hộ dân đã bố trí những căn phòng đẹp, thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi để du khách nghỉ dưỡng. Sau khi khảo sát nhu cầu, năng lực của các hộ dân trong thôn, 14 gia đình đã được lựa chọn làm điểm lưu trú của du khách. Ngoài việc được tập huấn các kỹ năng giao tiếp phục vụ khách du lịch, quảng bá nét văn hóa truyền thống của địa phương, các hộ dân còn được tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/ hộ để sắm sửa những vật dụng cần thiết.
Là một trong những hộ dân được đánh giá cao về điều kiện cơ sở vật chất lưu trú để đón tiếp du khách, anh Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Tại Phong Giang, sản xuất nông nghiệp vốn không mang lại thu nhập cao cho người dân vì diện tích đất canh tác thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì vậy, khi chính quyền địa phương có hướng phát triển du lịch cộng đồng thì các hộ dân trong thôn rất đồng tình hưởng ứng với hy vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập. Khi lưu trú tại đây, du khách có thể trải nghiệm không khí trong lành của làng quê bên những cánh đồng lúa xanh mát hoặc chín vàng, được cùng gia đình nấu những món ăn truyền thống, đồng thời buổi tối sẽ được thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ của các đội văn nghệ dân gian xã Tiên Ðiền với các làn điệu dân ca, ví giặm, chèo Kiều…
Có thể nói, tại các vùng nông thôn, mô hình du lịch cộng đồng ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên những mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Như nhận định của Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch: Du lịch cộng đồng hiện mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế cho người dân. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Với sự phát triển của các loại hình du lịch cộng đồng, người dân địa phương được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch với vai trò là chủ nhân và là người hưởng lợi trực tiếp.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Ánh Tuyết, Hương Giang và Ngô Tuấn
Theo nhandan.com.vn