Một số tư vấn, chia sẻ có tính gợi mở của các giáo viên môn Ngữ văn nhằm giúp các em học sinh có sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết chia sẻ phương pháp ôn tập môn Ngữ văn với các học sinh lớp 12 trong giai đoạn nước rút.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An:
Năm nay, nếu các em quan sát kỹ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể dễ dàng nhận ra trong cấu trúc bài Nghị luận văn học đơn vị kiến thức lớp 12 vẫn là chủ đạo, nhưng có thêm câu hỏi phụ yêu cầu có sự liên hệ đến kiến thức lớp 11. Thời gian để làm bài nghị luận văn học là từ 60 – 70 phút/120 phút. Chính vì vậy khi làm bài nghị luận văn học, các em hãy đọc thật kỹ đề bài để xác định được yêu cầu, nội dung cơ bản cần nghị luận là gì. Phần liên tưởng đề cập đến ở mức độ và góc độ nào để viết cho vừa phải đúng mức và không bị lạc đề.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Archimedes Academy:
Chúng ta biết là năm nay các em phải thi kiến thức lớp 11 và lớp 12, đầu tiên cần hiểu về phạm vi kiến thức lớp 11 và lớp 12 là như thế nào. Nhìn vào đề minh họa thì các em thấy là đề lớp 12 nhưng yêu cầu liên hệ với lớp 11. Cần lưu ý là không phải tác phẩm văn học nào cũng có thể liên hệ với nhau, hiện trên mạng người ta đưa ra rất nhiều liên hệ mang tính chất “cưỡng bức” tức là không có gì để liên hệ với nhau nhưng mà vẫn cứ đẩy để liên hệ với nhau, thì các em phải tỉnh táo khi tham khảo. Trong chương trình, có một số tác phẩm tôi cho rằng khả năng liên hệ rất cao. Thí dụ lớp 12 bài Sóng (Xuân Quỳnh) có thể liên hệ rất nhiều với bài Vội vàng (Xuân Diệu), trong đó khát vọng được sống, được yêu, được cống hiến, những âu lo về sự hữu hạn của đời người so với thời gian, thì cả hai bài này đều rất tương đồng và mỗi bài có một cái độc đáo riêng. Như trong bài Vội vàng, cũng là khát khao được cống hiến, khát khao được tận hưởng nhưng đó lại là cái mãnh liệt của đàn ông rất mạnh mẽ, còn trong bài Sóng thì đó là người phụ nữ nên có nét dịu dàng hơn.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương trao đổi cách làm bài môn Ngữ văn với học sinh.
Ngoài ra, với Người lái đò sông Đà chúng ta có thể liên hệ với Chữ người tử tù, bài Ai đã đặt tên cho dòng sông cũng có thể liên hệ một chút đến bài Tràng Giang, bài Đây thôn Vĩ Dạ qua hình ảnh dòng sông, với hình ảnh của Huế…Đó là một số điểm mà các em nên ưu tiên.
Có bạn học sinh hỏi là có chắc chắn ra đề liên hệ hay không? Dựa vào phân tích đề minh họa, tôi cho rằng phải đến 90%. Dù sao, khi ôn thi, các em nên lưu ý là có so sánh.
Về cách làm bài, trong một đề Ngữ văn, cấu trúc rất rõ: Nghị luận xã hội 3 điểm, Đọc hiểu 3 điểm, Nghị luận văn học 5 điểm. Một bài làm của các em phải đủ ba phần: mở, thân, kết. Các em nên chú tâm vào phần đọc hiểu vì đây là phần dễ ăn điểm nhất. Nên học thuộc phần lý thuyết liên quan đến từ ngữ, từ láy,… và quan trọng là hỏi đâu làm đấy, không lan man.
Phần Nghị luận xã hội đề yêu cầu viết đoạn 200 chữ thì các em có thể viết lên 250 chữ nhưng đừng viết gấp đôi. Và Nghị luận xã hội có một phần rất quan trọng, đó là khi người ta nêu ra vấn đề thì các em phải giải thích vấn đề, sau đó tìm hiểu thực trạng của vấn đề hoặc các biểu hiện của vấn đề, sau đó chỉ ra giải pháp hoặc suy nghĩ. Cuối cùng, bắt buộc phải có một phần gọi là mở rộng, tức là liên hệ được vấn đề và vận dụng vào bản thân.
Phần Nghị luận văn học, đề thi trong 120 phút thì các em không nên viết quá dài, cần cân đối để bảo đảm thời gian. Nếu là đề liên hệ, các em lưu ý thao tác: phân tích thật sâu thật kỹ bài lớp 12, sau đó, khi so sánh điểm tương đồng, các em mới bắt đầu liên hệ lớp 11.
Theo QUỲNH MAI/nhandan.com.vn