Cập nhật: 01/06/2018 08:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mất điểm ở câu dễ chỉ tính thời gian làm bằng giây trong những bài thi tổ hợp – đó là những lỗi mà nhiều thí sinh mắc phải. Các thầy cô chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên cho các thí sinh Kỳ thi THPT quốc gia 2018, giúp các em làm bài thi hiệu quả

Học sinh đặt câu hỏi về các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 với các thầy cô tại sự kiện Hành trình PEN 2018

“Ở 20 câu đầu tiên, phần nhận biết và thông hiểu em làm rất nhanh nhưng em hay làm sai những câu câu chỉ tính bằng giây. Thầy/cô cho em hỏi là làm cách nào để xử lý các câu hỏi ấy trong thời gian ngắn nhất và không mắc những sai lầm ngớ ngẩn như thế?” – câu hỏi của một thí sinh được các thầy cô giải đáp và các thầy cô cũng đưa ra một số lưu ý giúp các thí sinh làm tốt bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên môn Vật lý, Trường đại học Công đoàn: Đối với môn Vật lý, khi làm đề thi trong phòng thi, các em nên ưu tiên hoàn thành những câu hỏi có kiến thức cơ bản trước, không nên dành nhiều thời gian cho các câu vận dụng cao để tránh được tình huống mất điểm ở các câu dễ, việc này sẽ tốt hơn rất nhiều so với mất một câu dễ để gỡ một câu khó”.

Thầy Trần Đức, giáo viên môn Vật lý, Hệ thống giáo dục Học mãi: Công thức trong SGK (công thức gốc) rất ít, còn công thức tính nhanh rất nhiều. Do đó học sinh cần học thuộc lòng công thức gốc trong SGK, còn công thức nhanh thì cần phải hiểu được bản chất của nó, có nghĩa là phải chứng minh được là nó đúng và có thể sử dụng. Thí sinh cần phân tích, đọc câu hỏi trước sau đó mới đọc kỹ lại đề bài. Phải hiểu được hiện tượng vật lý, kết hợp hiện tượng vật lý và công thức để giải bài.

Thầy Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên Hóa học, hệ thống giáo dục Học mãi: Đối với các bạn lớp 12, đây là giai đoạn rất quan trọng, chỉ còn khoảng hơn 20 ngày thôi thì các em nên tiết kiệm thời gian và có kỷ luật. Ví dụ như sáng ra học mấy tiếng, ăn ngủ nghỉ mấy tiếng, học thêm mấy tiếng, học online bao lâu... Kỷ luật là cái mà mang cho các em thành công. Tiếp theo, nên xác định rõ mục tiêu học lấy điểm 8 hay điểm 10. Học 8 thì phải chắc 6 điểm lý thuyết, bỏ hết vận dụng cao đi. Còn kiếm điểm 9, 10 thì phải chắc 7, 8 điểm, và ở đây thì ôn vận dụng cao. Đối với dạng bài tập vận dụng cao, học sinh nên nắm chắc các chuyên đề về Peptit - Este thường kết hợp với phản ứng thủy phân và đốt cháy, các bài tập về hợp chất vô cơ có nhiều quá trình diễn ra thường xử lý bằng sơ đồ hóa. Đặc biệt lưu ý, các dạng câu hỏi này thường hay có nội dung đánh đố và gài bẫy thí sinh.

Điểm chung của nhiều bạn là hay sai những câu dễ, điều đó rất đáng tiếc. Chúng ta khắc phục chúng như thế nào? Theo kinh nghiệm của tôi, khi nào sai thì nên làm câu đó lặp đi lặp lại nhiều lần. Như khi làm một bài toán về Hóa, các em nên có một quyển sổ ghi ra các lỗi sai: sai về bảo toàn nguyên tố, sót số mol của nước…Giống như em đi trên một con đường đi học, có cái ổ gà, lần đầu em bị vấp rồi, lần sau em nhớ là có ổ gà thì em có vấp nữa không? Đó là cách rất đơn giản để các bạn chống “bẫy”, không có gì cao siêu, các em hãy làm như vậy với tất cả các môn”.

Thầy Nguyễn Thành Công, Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên đại học Sư phạm: Môn Sinh học chia làm hai đối tượng, một là các em thi tốt nghiệp và nhóm thứ hai là để xét tuyển vào các trường khối B, các em chọn trường y hoặc ngành công nghệ sinh học.

Để đạt được mục tiêu tốt nghiệp, chúng ta sẽ chỉ sử dụng và tập trung vào kiến thức sách giáo khoa và “ăn” điểm lý thuyết. Các em cố gắng tập trung mục tiêu cho 25 câu đầu tiên. Các em cần đọc và đánh dấu vào các từ, các kiến thức chính cần nhớ, trong khoảng một, hai buổi là có thể học hết sách giáo khoa. Tiếp theo, các em luyện theo đề lý thuyết, sẽ tập trung chủ yếu ở phần sinh thái, phần tiến hóa, phần di truyền ban đầu các em có thể tập trung vào phần cơ chế di truyền và biến dị…

Đối với nhóm thứ hai, với mục tiêu đạt điểm cao trong kỳ thi để đỗ vào các trường trường Y, trường có khoa Công nghệ Sinh học. Các em phải đặt mục tiêu 9 điểm trở lên. Các em đã có kiến thức nền tảng từ lộ trình học một, hai năm nay rồi thì cần phải lưu ý một số điểm. Đó là, lưu ý về điểm trong đề thi: Cố gắng không mất điểm ở những câu dễ. Rất nhiều bạn chủ quan khiến bị mất điểm ở câu dễ. Cho nên các em cố gắng có một chiến thuật làm bài cẩn thận. Thời gian có 50 phút thì 10 phút đầu chúng ta sẽ hoàn thành 20 câu, 10 phút tiếp theo, ta cố gắng hoàn thành 10 câu. Như vậy trong khoảng 20 phút chúng ta đã cố gắng hoàn thành được 30 câu. Còn lại 30 phút cho 10 câu cuối cùng, trung bình mỗi câu 3 phút. Các em cố gắng cẩn thận, làm câu nào chắc chắn câu đó, đánh dấu vào đề, đừng dùng chiến thuật là làm xong một lượt chúng ta làm lại. Giai đoạn xem xét lại chúng ta rất dễ bị đánh giá sai vấn đề. Khá nhiều học sinh làm đúng sau đó xét lại bị sai cho nên các em cần lưu ý vấn đề này.

Để đạt được điểm trên 9, thì các em chú ý vào các phần bài tập vận dụng cao, các phần quy luật hiện tượng di truyền đặc biệt là các bài toán phối hợp. Các em cần rèn luyện các kỹ năng giải Toán thật tốt, thứ hai là phần di truyền quần thể và các bài toán khó của di truyền quần thể phối hợp với phần di truyền người, phả hệ... 

Theo THANH XUÂN /nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm