Trừng phạt kinh tế chỉ là một phần trong chiến lược toàn diện của Mỹ nhằm gia tăng sức ép mọi mặt lên Tehran.
Tuyên bố mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước đã xác định cụ thể những mục tiêu trong chính sách của Washington với Iran, gồm 3 nội dung là: Không chương trình hạt nhân; Không gây hấn và hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố tại khu vực; và Không đàn áp dư luận Iran.
Để đạt được 3 mục tiêu này, Ngoại trưởng Pompeo cũng vạch ra một bản chiến lược 3 yếu tố, trong đó tập trung vào gây sức ép kinh tế chưa từng có nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trừng phạt kinh tế chỉ là một phần khi ông Pompeo luôn muốn thực hiện một chiến lược toàn diện để gia tăng sức ép mọi mặt lên Tehran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vô cùng cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters
Trừng phạt kinh tế
Iran vẫn phát triển chương trình hạt nhân và tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Trung Đông-Vùng Vịnh trong suốt 2 thập kỷ hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc Washington mạnh tay trừng phạt kinh tế Iran có thể đã giúp buộc nước Cộng hòa Hồi giáo ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân năm 2013, song thực tế điều này cũng không đảm bảo một thỏa thuận hạt nhân hiệu quả có thể trường tồn cùng thời gian.
Mỹ đã cam kết áp đặt lại những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Theo logic của Mỹ, các biện pháp trừng phạt là nhằm sửa chữa những thiếu sót trong thỏa thuận hạt nhân 2015, với tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng JCPOA đã bỏ qua chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran; không nhắc tới việc thanh sát ở đâu và thời điểm nào; và những sai sót trong việc hạn chế chương trình làm giàu urani của Iran.
Thực tế, đe dọa tấn công quân sự đã mang lại hiệu quả trực tiếp kìm hãm chương trình hạt nhân Iran. Tehran năm 2003 đã ngừng phần nào đó chương trình hạt nhân của mình khi Mỹ phát động cuộc xâm lược Iraq trong năm này. Tại thời điểm này, Tehran không khỏi lo ngại mình sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Trừng phạt quân sự
Đến nay, “đụng binh” là yếu tố thứ 2 trong chiến lược của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Ông cam kết “sẽ làm việc chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các đồng minh trong khu vực nhằm kiềm chế sự xâm chiếm quân sự và gây hấn của Iran”, trong đó có việc Tehran hỗ trợ phong trào Hezbollah tại Lebanon, vốn bị Mỹ và châu Âu liệt vào danh sách khủng bố.
Việc Mỹ cảnh báo lựa chọn giải pháp quân sự cho vấn đề hạt nhân Iran đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới nước Cộng hòa Hồi giáo. Với tuyên bố sẽ hạ bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Iran và cử các tàu chiến tới Trung Đông, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy họ sẵn sàng đối đầu quân sự nếu cần thiết.
Kể cả khi không cần triển khai binh sĩ trên thực địa, Mỹ vẫn có thể cung cấp vũ trang hiệu quả và hỗ trợ chính trị cho những ai muốn giảm phụ thuộc vào Iran.
Lợi thế của Mỹ còn là hàng loạt đồng minh đang đóng vai trò quan trọng trong khu vực như Israel, Jordan, Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất... Washington có thể tăng cường quan hệ với các nước này và qua đó tăng cường khả năng quân sự cho các đồng minh để đối phó với Iran. Trong đó, Israel đang là đồng minh nhận “viện trợ” lớn nhất từ Mỹ. Israel cũng luôn cho thấy sự đối đầu “không đội trời chung” với Iran, đặc biệt Israel sẽ không chùn tay trong việc ngăn chặn Iran xây dựng lực lượng tại chiến trường Syria để từ đó mở rộng ảnh hưởng tới Jordan hay Lebanon.
Một báo cáo mới đây của Viện Do Thái tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cho thấy, Washington trong 10 năm qua đã cam kết 38 tỷ USD viện trợ quân sự để thúc đẩy khả năng của Israel đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Iran. Theo báo cáo, chính quyền Tổng thống Trump đã nâng cấp vị thế của Israel với tư cách là đồng minh để chia sẻ thông tin tình báo, công nghệ và thiết bị quân sự của Mỹ. Đây là bước loại bỏ các trở ngại pháp lý nhất định để tăng cường hợp tác an ninh áp dụng cho các đồng minh thân cận nhất của Washington. Động thái này cũng cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump muốn hợp tác chặt chẽ nhất với Israel để đối mặt với các mối đe dọa trong khu vực, trong đó có Iran.
Đặc biệt tại chiến trường Syria, khi Tehran đang bị Nga “quay lưng”, thì đây là lúc để Mỹ và Israel “hất cẳng” Iran.
Khuấy động dư luận Iran
Buộc Iran phải trả chi phí cao hơn khi triển khai lực lượng quân sự trong khu vực là yếu tố cuối cùng trong chiến lược của Ngoại trưởng Pompeo. Đây là yếu tố gây bất mãn trong dư luận Iran vì sự tốn kém để chuốc về những trừng phạt và bao vây kinh tế nặng nề từ Mỹ. Vô hình trung, chiến lược này của Mỹ lại có được “ủng hộ” của người dân Iran.
Chính sách đối địch toàn diện của Mỹ với Iran đã rất rõ ràng. Mỹ có đầy đủ các công cụ từ kinh tế, quân sự, liên minh, ngoại giao và nhân đạo để gây áp lực đa chiều hơn với Iran.
Với những yếu tố bên ngoài như Nga và Israel, Mỹ có thêm cơ hội thành công để kìm hãm ảnh hưởng và hiện diện quân sự của Iran tại khu vực./.
Theo Hoàng Lê/VOV.VN