Cập nhật: 10/06/2018 11:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân hiện nay mỗi người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên sử dụng tới 8,3 lít cồn nguyên chất/người/năm. Con số này cao hơn con số 6,6 lít của thế giới hiện nay.

Nhiều kinh nghiệm quốc tế về hạn chế việc sử dụng rượu bia được đưa ra tại hội thảo.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, con số trên là con số mới nhất về mức độ tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam vừa được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố.

Theo đó, Việt Nam “tiến” rất nhanh về mức độ sử dụng rượu bia khi tăng tới 118% và tăng 30 bậc theo xếp loại của tổ chức WHO, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng đang ngày càng gia tăng.

Tại hội thảo về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/6, ông Nguyễn Phương Nam, Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, các nghiên cứu gần đây đều cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ dân số sử dụng rượu bia cao và tỉ lệ nam giới uống ở mức nguy hại cũng cao. Một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cũng chỉ ra, trong số các vụ bạo lực thì hơn 60% là người trẻ tuổi có sử dụng rượu bia.

Ông Nguyễn Phương Nam cũng chia sẻ, hiện nay có 168 nước quy định nồng độ cồn với lái xe, nhờ đó tai nạn liên quan tới rượu bia đã giảm mạnh. Trên thế giới cũng có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán rượu bia, trong đó 90% áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này chỉ ra rằng, việc tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình.

Về quy định giờ bán rượu bia, đại diện tổ chức WHO cũng cho biết, hiện trên thế giới có hơn 50% số nước có quy định giờ bán rượu bia. Ví dụ, ở Thụy Điển, nhà nước độc quyền tại 431 điểm bán và chỉ mở cửa từ 10h sáng đến 6h chiều. Ở Phần Lan, nhà nước độc quyền tại hơn 300 điểm bán. Nhiều nước còn quy định cụ thể về mật độ điểm bán rượu bia.

Đối với quảng cáo rượu bia, trong số 166 nước báo cáo việc kiểm soát rượu bia thì hơn 10% số nước có chính sách cấm quảng cáo toàn bộ rượu bia, nhiều nước đặc biệt cấm trong các chương trình dành cho trẻ. Ví dụ, ở Hàn Quốc cấm toàn bộ quảng cáo đồ uống có độ cồn hơn 17%, Singapore cấm quảng cáo toàn bộ trên các chương trình dành cho trẻ em… Nhiều nước ở châu Âu cũng áp dụng chính sách cấm quảng cáo rượu bia theo khung giờ, hay chương trình dành cho trẻ em…

Những vi phạm trong quảng cáo rượu bia bị xử phạt nặng, như Pháp xử phạt 10.000 Euro cho quảng cáo rượu bia trên tạp chí hay trên pano. 

Thêm một ví dụ từ Thái Lan – quốc gia cùng khu vực với Việt Nam, ông Bundit Sornpaisarn, Phó Giám đốc điều hành Quỹ nâng cao sức khỏe của Thái Lan (Thai Health) cho biết, với kinh nghiệm kiểm soát đồ uống có cồn ở Thái Lan, người dân bị cấm bán rượu bia trong các khung giờ từ 2-5h chiều và từ 6h đến 11h tối. Vì vậy, tai nạn sau nửa đêm giảm đáng kể. Chính phủ cũng kiểm soát rất mạnh mẽ thời gian bán rượu, như cấm bán cho người dưới 20 tuổi. Thái Lan cũng cấm quảng cáo các hình ảnh đồ uống có cồn, đặc biệt giám sát quảng cáo rượu bia trên báo chí và tivi. Thái Lan cũng hạn chế bán đồ uống có cồn trong vòng 300 mét xung quanh các trường đại học.

Từ những thực tế trên, tổ chức WHO khuyến cáo các nước xây dựng và thực thi chính sách kiểm soát rượu bia bằng quy định giờ bán, điểm bán và kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ, tăng giá và kiểm soát rượu bia lậu, kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.

 

Theo  Hiền Minh/Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm