Nhiều phụ huynh thường “nhờ” điện thoại, ipad để dỗ, trông con hàng ngày mà không hề biết rằng trẻ có thể gặp phải những nguy hiểm trên môi trường mạng.
Hè là dịp để trẻ em được vui chơi, giải trí sau một thời gian dài học tập. Tuy nhiên, để có được sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em vẫn là nỗi lo của nhiều ông bố bà mẹ.
Ipad, điện thoại giúp bố mẹ trông con
Tại nhà chị Hoàng Thị Minh (phường Hồng Hà, TP Yên Bái), thấy khách lạ, bé Bông 7 tuổi, ngẩng đầu chào khách rồi lại tiếp tục chơi game trên điện thoại. Chị Minh tâm sự: “Bố mẹ đi làm cả ngày, cháu ở nhà với ông bà, cả ngày lúc nào cũng ôm điện thoại, Ipad để chơi như thế này. Cũng lo con hại mắt, nghiện game, nhưng được nghỉ học, nên cũng chẳng biết làm thế nào nữa”.
Được biết, cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân lại một nhà máy sản xuất gạch gần nhà. Công việc vất vả, đi từ sáng tới tối, nên dịp nghỉ hè, vợ chồng chị đành đưa con sang nhà bà nội để gửi. Thế nhưng công việc bán hàng tạp hóa tại nhà của bà nội cũng bận rộn, nên phần lớn thời gian, các cháu phải tự chơi, tự do dùng điện thoại, máy tính để vào mạng.
Giống như gia đình chị Minh, dịp hè của con gái anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Hồng Hà, TP Yên Bái) cũng chỉ quẩn quanh bên chiếc điện thoại,máy tính, TV, hôm nào cuối tuần mới được đi công viên hay các khu vui chơi.
Làm photo coppy tại nhà, dù có thời gian trông con, nhưng cách dỗ con gái 6 tuổi của anh Hoàng lại phải phụ thuộc nhiều vào các thiết bị công nghệ. “Lúc nào bận quá, đông khách thì lại cho con ngồi xem điện thoại, TV để không chạy nhảy lung tung. Cứ đưa cho cái điện thoại là cháu ngồi im cả ngày”.
Nhà ngay mặt đường chính, nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại, không có địa điểm vui chơi dịp hè, sợ mất an toàn giao thông, nên kỳ nghỉ hè của con gái anh Hoàng cũng chỉ quanh quẩn ở nhà cùng bố, xem TV, máy tính là chính, ôn lại chương trình học, cuối tuần mới được đưa đi chơi chỗ này chỗ kia cho giải tỏa.
Anh Hoàng cũng không khỏi lo lắng khi con bị chi phối quá nhiều thời gian vào các sản phẩm này. “Nếu cấm con chơi, y rằng con lại phụng phịu, vùng vằng, khóc lóc, ăn vạ. Có hôm cháu nhất định đòi nghịch điện thoại của bố mới chịu ăn cơm. Không biết làm thế nào, nên cũng đành chịu thua con”, anh Hoàng tâm sự.
Trong khi đó, Nguyễn Minh Ánh một học sinh lớp 7 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, em thích lên mạng, vào facebook vì có thể làm quen, trò chuyện với nhiều người, trong đó có cả những người bạn mới mà mình không biết là ai.
Con có thể bị bắt nạt, xâm hại trên mạng
Theo thống kê, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tính đến tháng 1/2017, cả nước có 50,05 triệu người dùng internet (chiếm 53% dân số). Trong đó có hơn 1/3 số là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, đa số trẻ em hiện nay đều thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít em học từ cha mẹ hoặc nhà trường.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ, là thế giới tri thức không biên giới, đem lại nhiều mặt tích cực, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, tác động xấu đến trẻ em.
Tại đây, các em có thể tiếp xúc với những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của như: bạo lực, tình dục... Nhiều trẻ bị "nghiện" game online, nghiện smartphone... Đáng lo hơn, trên môi trường mạng, trẻ có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, bôi xấu, bắt nạt, bị lợi dụng, xâm hại...
Trong khi đó, từ phía cha mẹ, người giám hộ, do những hạn chế về kiến thức, kỹ năng, nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ trên môi trường mạng.
Để bảo vệ con khỏi những hiểm họa khôn lường từ môi trường mạng, cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số.
Điều quan trọng là bố mẹ cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ con.
Ông Nam cho rằng, hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát tốt việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày.
Ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội. “Trước đây chúng ta đã chứng kiến sự nguy hiểm của việc trẻ em nghiện game online thì nay trẻ nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh cũng nguy hiểm không kém. Và việc trẻ em đang bị bạo lực, xâm hại trên mạng là có thật”, ông Nam lo ngại.
Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững (MSD), cho rằng môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại với trẻ.
“Mùa hè đến, nếu không cho con tham gia các khóa học kỹ năng, các hoạt động trải nghiệm, bố mẹ lại không khỏi lo lắng khi con vào internet. Ngày nay, sự an toàn không còn nằm sau cánh cửa nhà, chỉ cần dùng 1 chiếc máy tính bảng, các con có thể vào tất cả các trạng mạng, tìm mọi thông tin và đương nhiên, nếu không biết cách sử dụng đúng, con có thể phải đối mặt với những nguy hiểm”.
Chuyên gia này khuyến nghị rằng, trong trường hợp cho trẻ sử dụng các thiết bị di động thông tin có kết nối mạng, cha mẹ nên có sự thảo luận, trao quyền cho con, để thống nhất việc con được xem trong thời gian bao lâu, xem những gì. Thay vì để con tự mò mẫm trên mạng, cha mẹ cũng có thể gợi ý cho con những chương trình mà con nên xem.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có thể kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt web.Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em. Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN