Cập nhật: 13/06/2018 09:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một phó giáo sư, tiến sĩ luật học tốt nghiệp ở nước ngoài về và đang công tác ở một viện nghiên cứu khoa học đã chết vì đột quỵ trong đêm sau bữa rượu tri ân, do nhóm học viên cao học của mình mời. Cái chết đến từ quan niệm khá phổ biến: Học trò cho rằng, lòng hiếu lễ với thầy giáo phải được thể hiện bằng bữa rượu sang trọng tại nhà hàng; thầy vừa cả nể vừa nghĩ rằng, phải tham dự cuộc rượu đó thì học trò mới thêm quý trọng và chỉ uống chút ít thì không hại gì cho bệnh huyết áp cao, dù người vợ đã hết sức can ngăn, dặn dò…

Một quan niệm khác đang phổ biến trong xã hội là thành công không thể không có rượu, bia; hợp đồng và các thỏa thuận tốt thường đến trong các cuộc vui gắn với rượu, bia; đồng thời, đã vào nhà hàng thì giá rượu, bia và hóa đơn thanh toán càng cao càng chứng tỏ sự sang trọng và đẳng cấp người trong cuộc. Hơn nữa, đã vào cuộc thì phải uống hết mình, càng uống nhiều càng chứng tỏ tình thân và lòng thành với nhau. Việc nâng cốc uống cạn đáy càng nhiều lần càng là bằng chứng thành công của cuộc vui; bất chấp chất lượng, giá cả đồ uống thực tế và sức chịu đựng, khẩu vị cá nhân của những người tham dự ra sao.

Ngày 8-6 vừa qua, tại hội thảo về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức, Văn phòng tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, qua 13 năm, mức độ tiêu thụ rượu, bia quy đổi sang cồn nguyên chất bình quân/người ở nước ta tăng 118%, tăng 30 bậc theo xếp loại của WHO, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia và đứng thứ 3 châu Á sau Lào và Hàn Quốc; cụ thể: tăng từ bình quân 3,8 lít trong giai đoạn 2003 - 2005, lên 6,6 lít trong giai đoạn 2008 - 2010 và lên tới 8,3 lít vào năm 2016. Sản lượng bia năm 2017 là 4,006 tỷ lít, với dân số 93,7 triệu người hiện nay, nếu tính bình quân mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn rượu, dẫn đến tác hại do sử dụng bia cũng ngày càng gia tăng.

Rượu, bia không chỉ làm lãng phí tiền bạc, thời gian, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ người dùng. Một chút rượu, bia sạch có thể cải thiện tâm trạng, quan hệ và sức khỏe; nhưng càng uống nhiều thì tác động tích cực càng giảm và tác động xấu sẽ càng tăng.

Cá biệt, có mối quan hệ rạn vỡ và cả án mạng đột ngột xảy ra, chỉ vì ai đó không uống hết ly rượu được mời, hay chỉ do suy diễn sai lệch của người quá chén về một cái nhìn thoáng gặp… Theo một nghiên cứu do Học viện Cảnh sát nhân dân thực hiện, những ngày lễ, Tết và dịp sự kiện có dùng rượu, bia thường làm tăng số vụ tai nạn, với hơn 40% nạn nhân tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia gây ra và hơn 60% số vụ bạo lực là do người sử dụng rượu, bia gây ra. Trên thực tế, một loạt căn bệnh tiêu hóa, ung thư và đột quỵ luôn có nguồn gốc trực tiếp và gián tiếp gắn với sử dụng bia, rượu nhiều, lâu năm.

Ðể kiểm soát tai nạn và các hệ lụy tiêu cực đa dạng của rượu, bia, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp nghiêm khắc hơn, cả về quy định nồng độ cồn với lái xe; điều chỉnh giá bán và tăng thuế thật cao và lũy tiến đối với sản xuất, nhập khẩu, lưu hành và tiêu thụ rượu, bia tỷ lệ thuận với mức cồn, độc tố; quy định giờ bán và điểm bán rượu, bia, đối tượng tiêu thụ; kiểm soát chặt chẽ các quảng cáo rượu, bia, hạn chế theo khung giờ, cấm quảng cáo trong chương trình dành cho trẻ em... Ðồng thời cần có và thực thi nghiêm minh những chế tài xử phạt nặng các vi phạm trong quảng cáo và quản lý rượu, bia...

TS NGUYỄN MINH PHONG  

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm