Cập nhật: 16/06/2018 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 15-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tại năm điểm cầu: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ về công tác thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo của Bộ GD và ĐT cho biết: Kỳ thi năm nay, cả nước có hơn 925 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tại 2.144 điểm thi, với 39.689 phòng thi. Tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là hơn 879 nghìn. Số thí sinh tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là hơn 688 nghìn. Đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị tổ chức thi đã hoàn thành, các địa phương đã sẵn sàng để tổ chức thành công kỳ thi. Bộ đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở GD và ĐT, các trường ĐH, CĐ về công tác tổ chức thi; hoàn thành và đưa vào sử dụng các phần mềm; hoàn thành công tác đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sơ bộ. Bên cạnh đó, hoàn thành việc lập điểm thi, phân bổ và sắp xếp phòng thi; huy động hơn 45 nghìn cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ về địa phương phối hợp tổ chức thi. Tài liệu hỗ trợ nghiệp vụ tổ chức thi đã được gửi cho các Sở; đề thi đã sẵn sàng. Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm để cùng khắc phục những bất cập trong quá trình diễn ra kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ba năm qua đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là kỳ thi năm 2017 được dư luận xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng còn một số bất cập, hạn chế cần được khắc phục trong kỳ thi năm 2018. Để kỳ thi năm 2018 đạt kết quả cao, Bộ trưởng lưu ý cần làm tốt công tác chuẩn bị, công tác phối hợp giữa các địa phương và các trường ĐH, CĐ để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót không đáng có, trong đó quan tâm tới công tác in sao đề thi, bố trí cán bộ coi thi, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất, không để lọt đề thi. Các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong việc tập huấn cho giám thị và những người có liên quan để nắm chắc quy chế thi, tránh những sai sót không đáng có.

Đối với công tác xét tuyển, các trường chủ động xây dựng phương án, kế hoạch nhưng phải thận trọng khi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2018, Bộ đã giao cho các trường tự quyết định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, tuy nhiên, không vì thế các trường hạ thấp điểm chuẩn để tăng quy mô tuyển sinh, mà cần đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Trong những năm tới đây, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và dần theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, với phụ huynh và học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan và an toàn. Để có được thành công trong việc tổ chức thi như thời gian qua không chỉ có sự chung tay của toàn ngành giáo dục mà còn có sự giúp sức, tham gia của toàn xã hội. Trong tương lai, khi chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy, cùng với đó là việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học theo hướng tăng cường tự chủ thì mới có sự thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chứ không phải kỳ thi ĐH. Khi kỳ thi này được tổ chức khách quan, trung thực đương nhiên sẽ là cơ sở để các trường ĐH trên tinh thần được giao quyền tự chủ lấy đó để tham khảo phục vụ công tác tuyển sinh. Song thời gian tới, các trường đại học cần có sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo đầu ra, thay vì chỉ tập trung chất lượng đầu vào. Trong thời điểm này và một vài năm tới, sự tham gia của các trường ĐH vào việc tổ chức kỳ thi cùng phối hợp các sở GD và ĐT ở các địa phương là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm liên quan đến đầu vào mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò giám sát phải được đề cao.

Phó Thủ tướng cho rằng, các trường ĐH không vì những yêu cầu riêng lẻ trong tuyển sinh mà làm cho công tác tổ chức thi THPT quốc gia phức tạp thêm. Câu chuyện thí sinh “ảo” là bình thường, thuộc trách nhiệm giải quyết của các trường, không nên đẩy trách nhiệm này cho xã hội. Thí sinh và phụ huynh có quyền được lựa chọn môi trường học tập theo yêu cầu, do đó, thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường nhưng có quyền được chọn một trường.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng GD và ĐT tiếp tục căn cứ vào các chỉ đạo hết sức cụ thể của Chính phủ và Thủ tướng những năm trước đây để tiếp tục sát sao các địa phương, phát huy kết quả đạt được từ các năm trước, tích cực giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong các ngày thi để kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra tốt đẹp.

Theo QUỲNH NGUYỄN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm