Cập nhật: 18/06/2018 14:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trấn Lăng Cô bé nhỏ, nằm yên bình dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ. Bờ biển thoai thoải, trải dài hình vòng cung. Biển xanh như ngọc bích. Những bãi cát trắng mịn màng chạy dài như bất tận, hòa quyện cùng mầu xanh thẳm của núi rừng.

Một góc đầm Lập An. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG, TÙNG NGUYỄN

Chúng tôi đến Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) khi bình minh vừa ló rạng ngoài biển, trời chưa tỏ mặt người. Tuấn - một cư dân Huế chính gốc đi cùng đoàn bảo: Các anh là những du khách may mắn, vì mới đến Lăng Cô lần đầu đã được chứng kiến một trong những thời khắc và khung cảnh đẹp nhất ở đây. Biển Lăng Cô yên bình, mờ ảo... Rồi mặt trời lên hẳn. Ánh nắng ban mai như dát vàng trên mặt biển. Xa xa, từng tốp dăm bảy con thuyền đánh cá chầm chậm tiến vào bờ sau hành trình ra khơi vào lộng. Lăng Cô không ồn ào, đông đúc như những bãi biển du lịch khác. Được hít thở bầu không khí mát lành, trong trẻo nhưng mặn mòi của biển vào buổi sáng, thấy khoan khoái đến lạ!

Bình minh trên vịnh Lăng Cô.

Lăng Cô gắn bó với cá nhân anh Tuấn như duyên phận. Lấy vợ ở Lăng Cô, sinh con đẻ cái, rồi mở một cửa hàng kinh doanh nho nhỏ cho thu nhập đủ sống, với Tuấn, đó đã là “an cư, lạc nghiệp”. Ở đây, cư dân có cuộc sống thanh bình, ít bon chen, ồn ã. Lăng Cô mỗi mùa lại có một vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng. Mùa hè, không khí dịu mát, biển xanh, nắng vàng, bờ cát trắng, khác hẳn với không khí oi nồng của dải đất miền trung nóng rát. Mùa thu, thị trấn chìm đắm trong làn sương mờ ảo, khói mây. Mùa đông, Lăng Cô càng thưa vắng, không gian biển và núi như trầm lại, trở về nét nguyên sơ. Mùa xuân, Lăng Cô đầy sức sống, khung cảnh dịu dàng, với những đoàn thuyền đánh cá tấp nập chuẩn bị cho những mẻ lưới đầu năm. Mảnh đất này dường như không dành cho những người “cưỡi ngựa xem hoa”. Để hiểu Lăng Cô, phải dành những khoảng lặng để cảm nhận được sự giao hòa giữa con người với không gian của biển, của đất trời.

Có lẽ cũng một phần vì vậy mà bạn tôi, vốn dân vẽ vời, sống ở Đà Nẵng, cứ mỗi dịp rảnh rỗi, lại xách ba-lô, với những toan, mầu, cọ, giá vẽ… đón tàu đến đây. Anh ví von: Lăng Cô là bản giao hưởng tinh tế của sắc mầu…

Người dân bản địa nói địa danh này do người Pháp đọc trại cái tên “An Cư” vốn là một làng chài nổi tiếng ở đây. Lại có người bảo, đây vốn là nơi trú ngụ của nhiều đàn cò trắng. Thuở xưa, cha ông gọi đây là “làng cò”, lâu dần, đọc trại thành “Lăng Cô”. Lúc những con thuyền đánh cá trở về từ khơi xa, có lẽ cũng là thời khắc duy nhất trong ngày người ta thấy được ở đây sự ồn ã, náo nhiệt. Những con cá, con tôm lấp lánh ánh bạc,… được đưa lên từ khoang thuyền. Sản vật thiên nhiên ban tặng những làng chài ở vịnh Lăng Cô là sức hút, như lời một lão ngư với giọng rất đỗi tự hào: “Gần 70 tuổi, tui chưa thấy ai chê hải sản ở đây!”.

Thị trấn không chỉ có biển. Cậu hướng dẫn viên trẻ tuổi, người địa phương cho biết, nếu chưa đến đầm Lập An, thì coi như chưa đến Lăng Cô. Lập An nằm cách bãi biển chừng hơn 1 km, bao quanh đầm là con đường chạy ven chân núi. Một bên là dãy Bạch Mã điệp trùng, một bên là vịnh Lăng Cô, đầm Lập An mang vẻ đẹp riêng, khó lẫn. Đến đây, mầu xanh thẳm của núi đồi, nước trong vắt hòa trộn cùng sắc lam của mây trời. Những ngày nắng rực vàng, đầm như tấm gương, in bóng núi non. Đầm Lập An đẹp nhất là khi hoàng hôn dần buông xuống, mặt trời dần lẩn khuất sau dãy núi Bạch Mã. Trên mặt đầm, khung cảnh bỗng trở nên thơ mộng. Hoàng hôn nhuộm mầu tím biếc. Từng đàn cò trắng bay về tìm chỗ trú, rợp trời. Những con thuyền nhỏ trôi theo dòng nước trên mặt đầm phá; rồi những mẻ lưới được cất lên nặng trĩu cá tôm với vẩy vàng, vẩy bạc lao xao trên lưới lấp lánh cả một vùng mặt nước hoàng hôn.

Bận rộn với những mẻ lưới đầy, nhưng ngư dân ở đây rất mặn chuyện và hiếu khách. Họ bảo, từ bao đời nay, gia đình họ đã gắn bó với Lăng Cô, đã sống nhờ nguồn hải sản dường như vô tận của biển, của đầm. Không quên “quảng cáo” món hàu, thứ đặc sản họ vẫn tự hào gọi là “ngọc trời”, nhiều ngư dân bảo, hàu ở đây không chỉ hấp dẫn khách từ phương xa đến, mà ngay ở những địa phương lân cận, người dân vẫn đặt mua thường xuyên. Cách bắt hàu, nuôi hàu ở đây khá đơn giản. Ngư dân sẽ tận dụng những chiếc lốp cao-su hỏng, sau đó rửa sạch, xẻ làm đôi. Những chiếc lốp này được móc vào một thanh tre, treo thanh tre nằm ngang trên những chiếc cọc đóng sâu xuống đầm nước. Hàu sẽ bám vào lốp xe, sinh sôi, phát triển thành từng chùm. Người nuôi dùng thuyền thu hoạch, rồi đưa hàu lên bờ, dùng dao, búa đập vỏ hàu. Hàu được tách vỏ sẽ được đưa ra chợ, các nhà hàng và tiểu thương từ khắp nơi kéo đến. Những con hàu ở đây có vị vừa ngọt, vừa mặn, vừa béo ngậy. Chị Thơm, người địa phương chia sẻ, những con hàu từ lâu đã giúp người làng chài có cuộc sống khấm khá, không phải phụ thuộc vào con cá, con tôm, vào sự vui buồn, hờn giận của biển cả.

Chiều chiều, khi nắng biển đã dịu lại, gió biển thổi như mơn man cũng là lúc mà người dân địa phương cho rằng đây là khoảng thời gian hợp lý để “phượt” đèo Hải Vân, ngắm Lăng Cô từ trên cao. Khi biết tôi có ý định thuê xe máy để khám phá, người lái xe ôm trung tuổi can ngăn: “Nếu các chú thích, để tui chở lên, giá bằng với thuê xe. Đường vắng vẻ, nhiều khúc cua, mới đi lần đầu thì không nên cầm tay lái”. Tôi ngồi sau xe của người xe ôm, bắt đầu hành trình hơn chục cây số khám phá Lăng Cô từ đèo Hải Vân. Những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dần bị bỏ lại phía sau. Người lái xe bảo, nhiều người cho rằng đây là một trong những cung đường nguy hiểm, nhưng cũng kỳ vĩ nhất của Việt Nam. Tầm dăm bảy năm nay, khi du khách đến Lăng Cô ngày một đông, ông dành những lúc rảnh rỗi để đưa khách đi tham quan. Nhìn từ trên cao, vịnh Lăng Cô như một miếng ngọc bích nằm giữa núi đồi. Bãi cát trắng phau, mềm mại, nhẹ nhàng ôm lấy bờ vịnh. Núi xanh, biển biếc, mây trắng thủng thẳng dạo chơi. Xa xa, những con thuyền mầu xanh xếp thành hàng nghỉ ngơi trên những bãi cát dài. Nhìn từ trên đèo, đoàn tàu hỏa như con trăn trườn mình qua những đường ray uốn lượn theo triền núi. Không quá ngạc nhiên khi năm 2009, Lăng Cô trở thành thành viên của câu lạc bộ “Các vịnh biển đẹp nhất thế giới”.

Cậu lễ tân khách sạn bảo, nếu mai vào Đà Nẵng, anh nên đi tàu hỏa để một lần nữa ngắm Lăng Cô từ trên cao. Cậu ta bảo, ba năm làm lễ tân khách sạn, đã chứng kiến không ít người đã quay lại Lăng Cô nhiều lần và coi đây là điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng. Mảnh đất này thật may mắn, bởi vẻ đẹp yên bình kia vẫn được chính quyền và cư dân nơi đây giữ gìn nguyên vẹn; những bãi cát dài nên thơ quyến rũ chưa hề bị chen lấn bởi những nhà hàng, khách sạn.

Theo HOÀNG ĐỨC NHÃ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm