Cùng với những di tích lịch sử văn hóa quan trọng ở khu vực xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, là di tích lịch sử cách mạng quan trọng thời kỳ trước Cách mạng tháng 8, cũng như trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: An toàn khu Cổ Loa, có gắn với hoạt động báo chí cách mạng.
Ông Nguyễn Văn Thế (áo trắng) cháu của đồng chí Nguyễn Văn Chén tại nhà xưởng in báo Cờ Giải Phóng năm 1939, nay đã được xây dựng lại cho phù hợp điều kiện sinh hoạt.
Nơi đặt cơ quan in ấn báo Cờ Giải Phóng
Các thông tin tư liệu cho biết, để tuyên truyền văn hóa, vận động người dân tham gia kháng chiến, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử cán bộ tìm chọn cơ sở để đặt cơ quan in báo. Tháng 9-1939, cơ quan in ấn của báo Cờ Giải Phóng - cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, được quyết định đặt tại đây. Báo Cờ Giải Phóng được bí mật in tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Chén (Xóm Vang). Song không được bao lâu thì bị thực dân Pháp phát hiện.
Ông Nguyễn Văn Thế (cháu của đồng chí Nguyễn Văn Chén) cho biết: “Năm 1938, cụ Chén hoạt động ở bên ngoài rồi mang cơ sở cách mạng về đây. Thực dân lùng riết ghê lắm! Đến năm 1939 Pháp tìm được, nhưng cụ đã có được mật báo trước nên rút hết cả người, chuyển máy móc đi kịp thời”.
Trong khoảng thời gian đó, báo Cờ Giải Phóng vẫn xuất bản bí mật và không định kỳ tại Viên Hội (Đông Anh). Đến tháng 4-1945, cơ quan báo lại chuyển về làng Sằn, Cổ Loa và đặt tại nhà ông Nguyễn Đình Thìn cho đến ngày Tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng Tháng Tám, báo xuất bản công khai tại Hà Nội.
Cơ sở An toàn khu
Từ tháng 6-1941 đến tháng 8-1945, nơi đây được coi là một cơ sở An toàn khu (ATK) của các cán bộ Trung ương. Kể lại chuyện, bà Nguyễn Thị Tách (con gái ông Thìn) vẫn còn rưng rưng: “Hồi đó ăn uống khổ cực, đói khát vô cùng nhưng gia đình nhà tôi, và mọi người quanh làng vẫn quyết tâm nuôi giấu cán bộ. Tôi và một vài người đã bị bắt một lần, tra tấn đau lắm, xót lắm nhưng không ai nói nửa lời”.
Nhiều gia đình là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần che giấu, bảo vệ cán bộ. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Kim Hận ở xóm Gà hay gia đình ông Nguyễn Văn Chén đã đón tiếp các cán bộ Trung ương, như các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng,… về ở và làm việc.
Để bảo vệ ATK và phát triển phong trào cách mạng địa phương, nhiều người dân đã bị địch bắn giết, bị tù đày, tra tấn nhưng vẫn giữ vững ý chí kiên cường, quyết hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thời kỳ đó, Cổ Loa không chỉ là cơ sở ATK của huyện Đông Anh mà còn là nơi đón nhận vũ khí ở các nơi tập trung về, chuyển lên chiến khu.
Cần tôn vinh xứng đáng!
Mang giá trị lịch sử quan trọng và to lớn như vậy, nhưng hiện nay khu ATK Cổ Loa gần như chỉ tồn tại trong trí nhớ của một số người già nơi đây. Những nơi có dấu tích của lịch sử, nay đã trở thành nhà ở. Việc tuyên truyền, tổ chức giới thiệu cũng gặp nhiều khó khăn. Một vài chứng nhân đã tuổi cao sức yếu.
Ông Nguyễn Khả Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết: “UBND xã đã có những phương án đề nghị thành phố trợ giúp để hình thành nên một hệ thống các điểm di tích cách mạng”. Cụ thể, ngoài những khu vực được công nhận và gắn bia di tích, thì UBND đã đề nghị thành phố dựng bia ở khu vực: xóm Vang - nhà cụ Nguyễn Văn Chén và nhà cụ Nguyễn Đình Thìn ở thôn Sằn là hai nơi đặt in báo Cờ Giải Phóng. UBND xã mong muốn trong bản đồ du lịch của TP Hà Nội, nên bổ sung các điểm của ATK là một trong những điểm cần quan tâm, tham quan của du khách. Đặc biệt, là giáo dục lịch sử trong nhà trường. Tạo điều kiện cho học sinh ở các nơi được đi tham quan di tích lịch sử cách mạng tại Cổ Loa.
Theo HỒNG SƠN/nhandan.com.vn