Theo giới quan sát, Mỹ khó có thể thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà không có sự trợ giúp từ Trung Quốc.
Dù Mỹ và Triều Tiên đã đạt được bước tiến mang tính biểu tượng trong mối quan hệ, điều thực chất vẫn là thực hiện thỏa thuận mà hai bên đã ký sau cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, ông Da Zhigang, Giám đốc viện Đông Bắc Á của Trung Quốc, nhấn mạnh điều này khi nói về vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/6, một tuần sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AP
Ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên vẫn rất lớn
Nói về những nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mọi người có thể thấy đàm phán 6 bên từ 2003-2008 đã không mang lại bất cứ kết quả nào. Các cuộc đàm phán song phương riêng rẽ được tiến hành giữa 2 miền Triều Tiên, giữa Triều Tiên với Mỹ hay giữa Hàn Quốc với Trung Quốc cũng chỉ mang lại kết quả tương tự. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trở thành trọng tâm chú ý của cộng đồng quốc tế trong những năm qua và giới quan sát cho rằng, vấn đề này không thể giải quyết được mà không có sự can thiệp của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể từ năm 2014.
Đúng như dự đoán, vấn đề Triều Tiên đã được nêu lên trong các cuộc gặp giữa ông Mattis với các lãnh đạo Trung Quốc, với việc hai bên nhất trí mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như sự cần thiết phải ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên.
Về những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Triều Tiên, ông Da Zhigang bày tỏ lạc quan tin tưởng mọi chuyện đang đi đúng hướng và tình hình sẽ được cải thiện.
“Trước đó, Trung Quốc đã có kế hoạch “đóng băng kép”, “nhượng bộ lẫn nhau” và “làm việc về cơ chế hòa bình””, ông Da nói. “Hiện chúng ta đang thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến theo hướng mà chính Trung Quốc mong muốn. Ví dụ, việc Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chúng quy mô lớn với Hàn Quốc và đổi lại Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, cũng như cam kết trả tự do các công dân Mỹ mà Bình Nhưỡng giam giữ, phá hủy một bãi thử hạt nhân. Tôi tin trong tương lai, Triều Tiên sẽ hành động theo chiều hướng tích cực tương tự”.
“Rõ ràng Mỹ sẽ không thể giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên mà không có Trung Quốc. Đó là lý do một cuộc đàm phán 4 bên được lựa chọn: hai miền Triều Tiên cũng Mỹ và Trung Quốc. Tôi tin là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ nỗ lực làm rõ quan điểm của Trung Quốc liên quan đến các bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh có sự đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng”.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự người Nga Vladimir Evseev, Phó giám đốc Viện CIS, cho rằng nên chú ý tới các chuyến thăm thường xuyên của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc. Theo nhà phân tích này, các chuyến thăm rõ ràng cho thấy ảnh hưởng lớn và không thể phủ nhận của Bắc Kinh đối với nước láng giềng.
Mỹ - Trung vẫn cần có nhau
Ông Evseev cũng nhấn mạnh, Bộ trưởng Mattis trước đó đã xác nhận Mỹ và Hàn Quốc sẽ không tổ chức tập trận chung vào tháng 8/2018. Ông tin rằng động thái này sẽ mở đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ sẽ có những trở ngại nhất định.
Trước thềm chuyến thăm của ông Mattis tới Bắc Kinh, giới phân tích đã bày tỏ hoài nghi về kết quả đạt được trong chuyến thăm này, viện dẫn mối quan hệ Mỹ Trung ngày càng xấu đi trong thời gian gần đây liên quan đến những căng thẳng thương mại và quyết định của Lầu Năm Góc loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận hải quân RIMPAC tháng 5/2018.
Ngày 15/6, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp mức thuế bổ sung 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến các biện pháp “trả đũa” từ phía Trung Quốc, Tuy nhiên điều đó không ngăn được Nhà Trắng tiếp tục đe dọa Trung Quốc với các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh có thể chớp lấy cơ hội buộc Washington phải có những nhượng bộ nhất định, ví dụ như chuyển Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ra ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, ông Evseev dự đoán.
Theo giới phân tích quân sự, điều này là hợp lý trong bối cảnh ông Mattis cũng có chuyến thăm Hàn Quốc ngay sau chuyến thăm Trung Quốc. “Số phận” của hệ thống THAAD tại Hàn Quốc lâu nay luôn khiến Trung Quốc lo ngại và phản đối.
Trước chuyến thăm của ông Mattis, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) nhấn mạnh: “Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển mối quan hệ quân sự với Mỹ và hy vọng 2 bên có thể sớm gặp nhau và làm việc cùng nhau để biến mối quan hệ quân sự thành yếu tố ổn định quan trọng cho quan hệ song phương”./.
Theo Thùy Linh/VOV.VN