Đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, Áo hy vọng sẽ là cầu nối hàn gắn sự rạn nứt, củng cố đoàn kết và xây dựng niềm tin trong liên minh.
Ngày 1/7 Áo bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu trong vòng 6 tháng. Trong bối cảnh có nhiều chia rẽ trong nội bộ khối, đặc biệt xung quanh chính sách tị nạn hay ngân sách, Áo hy vọng sẽ là cầu nối hàn gắn sự rạn nứt, củng cố đoàn kết và xây dựng niềm tin trong liên minh.
Áo bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU. Ảnh: AFP.
Chặng đường chông gai phía trước
Liên minh Châu Âu đang phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, thách thức đe dọa tới tương lai của khối. Không thể phủ nhận, sự ra đi của Anh là một cú sốc lớn, để lại một lỗ hổng cả về kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng. Dù hai năm qua đã có một số vòng đàm phán đã diễn ra và ít nhiều cũng đã có kết quả ban đầu, nhưng không phải là không có những lo ngại khi những vấn đề cơ bản như thị trường chung hay liên minh thuế quan chưa được bàn tới trong khi thời hạn chót đang đến gần.
Cũng chính việc Anh rời khỏi EU mà vấn đề bù đắp ngân sách thiếu hụt và phân bổ ngân sách trong Liên minh Châu Âu những năm tới gây tranh cãi giữa một bên là các nước không muốn tăng đóng góp cho ngân sách chung và một bên là các quốc gia vốn nhận viện trợ nhiều từ Brussels không muốn nguồn phân bổ cho nước mình bị cắt giảm. Chính vì vậy các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ kéo dài và gay cấn, đặc biệt đối với đề xuất cắt giảm trợ cấp nông nghiệp của EU.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng người di cư từ Trung Đông và Châu Phi vào Châu Âu chưa có giải pháp thỏa đáng. Thỏa thuận trao trả người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang phát huy tác dụng, nhưng mong manh, dễ vỡ. Cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư cho các nước thành viên đang gặp phải sự phản đối kịch liệt của một số nước Trung và Đông Âu, gây chia rẽ nội bộ khối. Sự rạn nứt ngày càng gia tăng khi gần đây Italy và Malta từ chối tiếp nhận tàu chở người di cư cập bến. Dù hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU cách đây hai ngày đạt được thỏa thuận, nhưng đó mới chỉ là bước đi ban đầu và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.
Ưu tiên trong 6 tháng tới
Tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên từ Bulgaria, Áo đặt ra một số mục tiêu ưu tiên trong nhiệm kỳ sáu tháng cuối năm, trong đó vấn đề an ninh, di cư và sự ổn định của EU được đặt lên hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên Áo chọn an ninh là mục tiêu ưu tiên số một bởi mối đe dọa của làn sóng người di cư vào châu lục và những hệ lụy của nó vẫn còn ám ảnh người dân Châu Âu trong suốt thời gian qua.
Dưới khẩu hiệu “Một Châu Âu biết tự bảo vệ mình”, Áo cho rằng bảo vệ biên giới chặt chẽ hơn sẽ giúp Châu Âu đối phó hiệu quả với làn sóng người di cư bất hợp pháp vào châu lục. Song song với đó là đề xuất cải cách chính sách tị nạn Dublin của liên minh vốn gây căng thẳng và tranh cãi giữa các quốc gia thành viên trong suốt hơn hai năm qua. Một Hội nghị Thượng đỉnh của khối sẽ được tổ chức tại thủ đô Vienna vào tháng 9 này, hy vọng sẽ đem lại giải pháp thích hợp cho các bên.
Ngoài ra Áo mong muốn sự ổn định trong khối, cho đây là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh cho EU.
Với vị trí Trung Âu và lịch sử của mình, Áo chủ trương thúc đẩy quá trình hội nhập vào Liên minh Châu Âu của các nước Tây Balkans, được cho là một bộ phận không tách rời của Châu Âu cả về mặt kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Áo cho rằng sự bất ổn của khu vực này, trong đó bao gồm các cuộc tranh cãi sắc tộc, biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại, sẽ là thảm họa của EU, ảnh hưởng chung tới quá trình hội nhập của liên minh.
Hàn gắn rạn nứt?
Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra là liệu chính phủ Áo, mà đứng đầu là Thủ tướng Sebatstian Kutz, có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra, giúp xóa bỏ bất đồng giữa các nước thành viên hay không? Áo đã từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU hai lần vào năm 1998 và 2006, nhưng lần này mọi chuyện đã khác trước nhiều, trong đó nổi lên là sự thay đổi môi trường địa chính trị nhanh chóng, mà hệ lụy của nó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, hoài nghi Châu Âu, là cuộc khủng hoảng người di cư vào Châu Âu…
Sáu tháng trước khi liên minh hai đảng gồm Đảng Nhân dân Áo bảo thủ của Thủ tướng Sebastian Kutz và Đảng Tự do cực hữu tuyên bố thành lập chính phủ, đã có rất nhiều nghi ngờ, thậm chí lo ngại về đường lối đối ngoại xa rời EU của Áo.
Nhưng sáu tháng sau dường như mọi nghi ngờ đã tan biến khi Thủ tướng Kutz dần kéo lực lượng cánh hữu, chống đối EU, về lập trường trung hữu, giành được sự ủng hộ của người dân. Các chuyến ngoại giao con thoi trước thềm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch EU cho thấy vị thủ tướng 31 tuổi có nhiều năm kinh qua chính trường đang nổi lên như là một trong những nhân vật quyền lực của Châu Âu.
Thủ tướng Sebastian Kutz quyết tâm ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp vào Châu Âu, nhưng ông không phải là một người kỳ thị hay xa rời Châu Âu. Những đề xuất của ông để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư như tăng cường bảo vệ biên giới ngoại biên của EU hay thiết lập trung tâm xử lý người di cư bên ngoài khối, được nhiều nước chào đón, và được ví như lời giải cho những bất đồng giữa hai phe, một bên có tư tưởng ôn hòa và bên kia có tư tưởng dân túy.
Chưa rõ liệu Áo sẽ làm gì cụ thể để giúp hàn gắn rạn nứt trong nội bộ Liên minh Châu Âu, nhưng những mục tiêu ưu tiên mà Áo đặt ra cho nhiệm kỳ 6 tháng tới của mình cho thấy chính phủ nước này đang mong muốn có những đóng góp tích cực để xây dựng chứ không phải làm suy yếu Châu Âu, và điều đó làm người ta tin rằng Áo có thể làm được điều họ muốn./.
Theo Hữu Bình/VOV.VN