Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo Thông tư 15 sẽ không có bất cập về giá và không có chuyện sử dụng mức giá cao gấp 100 lần đối với giá các loại vật tư, hóa chất để tính giá dịch vụ y tế.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế).
Sáng 29-6, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) đã thông tin với báo chí một số vấn đề chung quanh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30-5-2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc thay thế cho Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015.
Mức giá các loại vật tư, hóa chất không cao gấp 100 lần
Một trong những nội dung được ông Nguyễn Nam Liên rất bức xúc cho biết, không có việc Bộ Y tế xây dựng mức giá các loại vật tư, hóa chất cao gấp 100 lần để tính giá dịch vụ. Ông Liên cho hay, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện, cả Trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương. Bộ không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở hai vòng: vòng thứ nhất so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trung thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá.
"Ý kiến nêu Bộ Y tế có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng. Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đính chính thông tin này. Các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn như thông tin báo nêu cũng đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình", ông Nam Liên khẳng định.
Định mức kinh tế - kỹ thuật được tính sát thực tế
Trước ý kiến cho rằng định mức kinh tế - kỹ thuật (KT-KT) để tính giá chưa sát với thực tế, chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các bệnh viện tuyến trên, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, các định mức KT-KT đã được khảo sát, xây dựng, thẩm định và ban hành để tính giá tại Thông tư 37 và điều chỉnh một số giá tại Thông tư 15 theo đúng quy định, phù hợp với đại đa số bệnh viện.
“Định mức này dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp báo cáo của bốn bệnh viện hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng 1, 140 bệnh viện hạng 2, hơn 250 bệnh viện hạng 3 nên ý kiến số liệu chỉ căn cứ vào tuyến Trung ương là chưa chính xác”, ông Liên cho hay.
Bộ Y tế đã xây dựng sáu loại định mức KT-KT cho sáu hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, Hạng 1, Hạng 2, hạng 3, hạng 4 và Trạm y tế xã. Theo đó, Bộ không lấy định mức của bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tuyến TƯ làm định mức cho tuyến huyện, tuyến xã. Về giá ngày giường bệnh, Bộ đã xây dựng 41 loại định mức theo năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, với các dịch vụ kỹ thuật, để khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các dịch vụ để người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên mới được thực hiện (theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Hội nghị TƯ 6), liên bộ thống nhất mức giá của các bệnh viện là như nhau.
Tuy nhiên, trong mỗi hạng bệnh viện có hàng trăm bệnh viện, Luật BHYT quy định Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành giá thống nhất theo hạng bệnh viện nên sẽ có bệnh viện có thực tế sử dụng thấp hơn hoặc cao hơn định mức bình quân chung.
Về ý kiến cho rằng cơ quan BHXH thanh toán theo thực tế sử dụng trong trường hợp cơ sở KCB thực hiện không hết định mức, tức là thanh toán theo phương thức thực thanh, thực chi. Ông Nam Liên khẳng định, việc đề nghị thanh toán này chưa phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT: “Cơ sở thanh toán: Chi phí dịch vụ kỹ thuật y tế được tính theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính theo giá mua vào nhưng không vượt quá giá trúng thầu; chi phí về máu, chế phẩm máu thanh toán theo giá quy định của Bộ Y tế”.
Ông Nam Liên cho hay, hiện nay chúng ta đang đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, giảm dần thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán theo định suất, theo trường hợp bệnh để khuyến khích cơ sở y tế áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp để giảm chi phí. Do đó, việc thanh toán theo thực thanh, thực chi sẽ đi ngược việc đổi mới phương thức thanh toán.
Giá khám chữa bệnh theo Thông tư 15 có sự điều chỉnh giảm, theo đó, Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I giảm từ 39.000 đồng xuống 33.100 đồng/lượt; bệnh viện hạng II từ 35.000 đồng xuống 29.600 đồng/lượt; bệnh viện hạng III từ 31.000 đồng xuống 26.200 đồng/lượt; bệnh viện hạng IV từ 29.000 đồng xuống 23.300 đồng/lượt; bổ sung mức giá khám chữa bệnh tại trạm y tế xã là 23.300 đồng/lượt.
Cùng với đó, giá dịch vụ ngày giường điều trị hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện hạng I cũng được điều chỉnh giảm từ 632.200 đồng xuống 615.600 đồng/ngày; giá ngày giường hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng IV cũng giảm 226.000 đồng xuống 221.200 đồng/ngày; giá ngày giường điều trị nội khoa của bệnh viện hạng II giảm 178.500 đồng xuống 159.100 đồng/ngày. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.
Thông tư 15 cũng quy định các bệnh viện phải bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng; mỗi bàn khám không quá 65 lượt một ngày. Vượt quá con số này, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh. Trong thời gian tối đa một quý, nếu vẫn còn tình trạng này thì BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên.
Theo HOÀNG LÂM/nhandan.com.vn