Cập nhật: 02/07/2018 09:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mươi năm trước, người trong bờ đi ra đảo bằng ghe cá, mất đến mấy giờ đồng hồ. Cù Lao Ré sừng sững giữa Biển Đông, những ngày ấy xa xôi, cách trở. Nay đảo thật gần. Đôi lần chớp mắt, ai cũng có thể thưởng lãm Lý Sơn. Sự thuận tiện, cùng lòng yêu mến lại đang khiến Lý Sơn đối diện những nỗi lo…

Góc đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao.

Đảo như nhỏ lại

Cuộc kiến tạo vĩ đại từ những cơn địa chấn của đất trời đã ban cho Lý Sơn khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Cù lao Ré, Cù lao Bờ Bãi ẩn chứa những kỳ bí của thiên nhiên, hệ giá trị trường tồn qua bao biến thiên của đất trời, lịch sử trăm năm hùng binh Hoàng Sa giữ gìn bờ cõi biển khơi. Lý Sơn có sức hút kỳ lạ. Sau hàng trăm năm, sức hút ấy lại khiến hòn đảo tiền tiêu đang dần trở nên nhỏ bé, xa xôi với chính người muôn xứ.

Những năm 2010, mỗi năm chỉ có khoảng 8.000 người đến với Lý Sơn. Ở thời điểm đó, chạy xe vòng quanh đỉnh núi, thả hồn cùng trời biển, ai cũng có thể tìm được không gian thư thái giữa thiên nhiên, và cảm nhận sự chân chất, nét phóng khoáng của những con người miền biển.

Chỉ sau vài năm, dòng người liên tục đông dần lên, dập dìu ra đảo.

Trong ba ngày lễ dịp 30-4, 1-5 năm nay, đảo tiền tiêu đón 12.000 du khách về với quê hương Hải đội Hoàng Sa. Đột biến lượng người ra đảo, gấp hàng chục lần sức chứa và ngưỡng chịu. Thiếu nhà nghỉ, khách sạn, phương tiện, du khách cùng địa phương xoay trở nhiều cách như ở nhờ, cắm trại trên núi để bù đắp cho sự quá tải. “Hồi trước khách ra ít lắm. Giờ đi đâu mà đông quá. Lễ vừa rồi cũng vậy, chưa bao giờ tui thấy người nhiều như thế. Đi đâu cũng đụng người. Cứ như đảo bị nhỏ lại vậy” - Bà Nguyễn Thị Mẫn, thôn Đông, xã An Hải vừa tỉ mẩn từng sợi lưới, vừa tỉ tê với người bạn già bên cạnh.

Cách đảo Lớn mươi phút đi ca-nô là Cù lao Bờ Bãi - đảo Bé. Những bãi dừa soi bóng bên mặt nước biển xanh trong vắt, dãy đá trầm tích của núi lửa với nhiều hình thù, dáng dấp tôn vẻ đẹp hoang sơ cù lao giữa biển. Hơn 100 hộ dân đảo Bé sinh sống trên diện tích chưa đầy 1km2, vừa làm nông kiêm du lịch cộng đồng. Cả xã có 22 chiếc xe điện của bà con chạy vòng quanh đảo đưa khách thưởng lãm. Mỗi ngày vài trăm du khách, số xe điện đủ đáp ứng nhu cầu tham quan đảo nhỏ. Đón đầu xu thế, ngành giao thông dự tính đưa thêm 60 chiếc xe điện ra đảo. Cung đường đảo bé chưa tới 3 km sẽ “gánh” 82 xe điện. Đảo Bé oằn vai vì những vòng xe.

“Xã đảo có 1 km2, 22 xe điện là nhiều lắm rồi. Địa phương không cho bà con mua thêm vì quá tải. Nay ngành giao thông tính thêm 60 chiếc để làm gì đây?” - Ông Huỳnh Lũy - Bí thư Đảng ủy xã An Bình, huyện Lý Sơn bỏ ngỏ câu hỏi của mình.

Mỗi năm, Lý Sơn đón hơn 200 nghìn lượt khách du lịch, cấp số nhân cùng tốc độ phát triển du lịch khiến cụm đảo như đang nhỏ dần.

Lý Sơn thật sự bí bách.

Những tư duy “chật chội”

Năm 1993 khi mới thành lập, huyện đảo chỉ có 14 nghìn dân. Đến nay, vẫn trên diện tích 10 km2, dân số tăng gấp đôi. Và du khách mọi miền đến đây cũng tăng gấp 30 lần. Lý Sơn trở nên chật chội. Để mở rộng, phát triển, chính quyền sở tại tìm phương án, quy hoạch giải quyết gánh nặng quá tải cho xứ đảo. Sự bí bách, cấp tập đã khiến Lý Sơn chật hẹp biến thành cái bình chứa chật chội cho các ý tưởng. Trong thời gian ngắn, 160 dự án, công trình, hạ tầng đầu tư triển khai trên đảo; 60 nhà nghỉ, khách sạn 700 phòng sức chứa hơn 2.000 người xây dựng dày đặc. Sau khi có điện lưới quốc gia năm 2014, Lý Sơn tăng trưởng vượt bậc, các nhà đầu tư ồ ạt ra đảo. Từ sự chật chội trong thực tế đến sự “chật chội” trong tư duy làm tăng thêm gánh nặng cho di sản, cho chính người dân đất đảo.

Giữa trưa bên bờ biển, chuyện trò cùng nhóm bạn già nhưng bà Nguyễn Thị Phận cứ nhìn ngọn sóng xa xăm. Sống ở đây bao đời, bà cảm thấy ngày càng xa lạ với miền biển này. Nỗi lo chất chứa đầy trong mắt. 5 năm trước, cứ ra bờ biển, cả gia đình sáu người kiếm được vài trăm nghìn đồng. Thời ấy “biển già”, tôm cá nhiều tiền kiếm được cũng nhiều. Nay thì sản vật cạn dần. “Biển non”, tiền cũng vơi đi. Quê hương phát triển, khách đất liền ra đảo càng đông, thì những chủ nhà như bà lại thầm lặng lội ngược dòng, xa dần nơi cư ngụ. Ở thôn Tây của bà, một số ít gia đình chuyển sang làm du lịch, gần 80 hộ trong thôn đi đánh bắt xa hơn, cách đảo vài hải lý để câu cá mực. Ra khơi xa để kiếm tìm nguồn sống. “Làm du lịch thì mình không có vốn. Ngư dân thì cũng chỉ gắn với cá tôm thôi. Xưa biển già, nhiều cá nên nhiều tiền hơn. Người đông cá mắm cũng cạn kiệt rồi, phải ra xa ngoài kia mới có” - bà Phận trầm tư.

Chính quyền sở tại dường như chưa lường hết được sức hút và thiếu chú ý đến ngưỡng chịu đựng của cụm đảo bé nhỏ này. Nóng vội, ồn ã, cạnh tranh của nhà đầu tư tác động ngược, khiến Lý Sơn oằn mình gánh đỡ. Những cách nhìn thiển cận và quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu khoa học trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đang dần hình thành một Lý Sơn nham nhở. Giai đoạn 2013-2016, 16 dự án đầu tư, cấp phép sai quy định; 40 công trình, nhà ở xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch. Chiếc bình chứa chật hẹp Lý Sơn đã phải trả giá cho nhiều cuộc “thí nghiệm” mang tính chủ quan, duy ý chí thay cho cứ liệu khoa học và tầm nhìn mở. Tất cả đang dần phá vỡ hệ giá trị của đất đảo Lý Sơn từ ngàn xưa. Mỗi di sản địa chất chùa Hang, cổng Tò Vò, Hang Cau, núi Thới Lới gánh trên mình hàng trăm nghìn du khách cùng bê-tông cốt thép. “Hồi kia ít người tới cái cổng Tò Vò này. Giờ thì đông lắm. Ngày nào cũng vài trăm người trèo lên đó chụp hình. Mình bán được nhiều tiền nhưng cũng sợ vài năm nữa nó sụp cái cổng đá này thì mình cũng hết khách luôn” - bà Nguyễn Thị Hương, thôn Tây, xã An Vĩnh lo lắng.

Trăn trở cho di sản thiên nhiên, hệ giá trị đất đảo đang dần bị bào mòn, mai một, PGS, TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản cho rằng, đã đến lúc phải nghĩ đến điểm dừng để hướng đến một Lý Sơn bền vững. “Đảo Lý Sơn mật độ di sản đậm đặc, chúng ta phải tính đến ngưỡng chịu tải của môi trường tự nhiên. Sức chứa ở đây chỉ có giới hạn, hàng năm đón thêm vài trăm nghìn du khách thì môi trường tự nhiên quá tải. Nước không đủ, sản vật địa phương không đủ đáp ứng, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Chúng ta phải cẩn trọng trong việc tiếp nhận mọi thứ đối với Lý Sơn” - PGS, TS Trần Tân Văn khuyến nghị.

Trong tâm thức của người xứ đảo, Lý Sơn xưa to lớn nay đã trở nên nhỏ hẹp. Đảo xa xôi cách trở nay được gần hơn với đất liền. Và tâm thế của người dân đảo dường như cũng đang xa dần với nơi mình gắn bó trăm năm.

Đã đến lúc phải nắn dòng thủy lưu, điều chỉnh kịp thời trước khi Lý Sơn bung vỡ. Khai thác lợi thế để phát triển nhưng phải bảo tồn được các hệ giá trị. Khẳng định được giá trị trường tồn của thiên nhiên tạo hóa, của chiều dài lịch sử qua bao đời, đã đến lúc Lý Sơn không đón nhận “ưu ái” bằng mọi giá.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Khi phát triển du lịch, kinh tế biển, đảo quá nhanh chúng tôi chưa lường trước được, khó kiểm soát được. Nếu phát triển như thế này ảnh hưởng rất lớn đến di sản, môi trường, ảnh hưởng đến hệ giá trị của chất đảo Lý Sơn. Có lẽ đã đến lúc chúng tôi không khuyến khích, không đón nhận sự phát triển bằng mọi giá nữa.

Những trầm tích triệu năm cần được lưu giữ. Để Lý Sơn vẫn giữ được khí chất khoáng đạt, kiêu hùng, dũng mãnh giữa biển khơi. Để những giá trị định danh Lý Sơn sẽ trường tồn cùng lịch sử.

Lễ hội đua thuyền Tứ linh trên đảo Lý Sơn thu hút hàng nghìn người tham gia cổ vũ.

Theo ĐÔNG HUYỀN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm