Cập nhật: 05/07/2018 10:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, trên cả nước, nhiều vấn đề nảy sinh trong trường học như: Học sinh gây gổ đánh nhau, học kém, bỏ học sớm, yêu sớm… đang có chiều hướng gia tăng. Trước sự việc đáng báo động nói trên, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) đã và đang đề ra một số biện pháp để phát triển hệ thống mô hình công tác xã hội trong trường học; từng bước phát hiện, phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp học sinh kịp thời.

Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (tỉnh Ðác Nông) tập thể dục giữa giờ. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Thầy giáo Phan Như Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh vi phạm nội quy trường học, thường xuyên gây gổ, đánh nhau có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân được xác định, một số học sinh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề của gia đình, xã hội như: Bố mẹ ly hôn, ly thân; bố mẹ mải làm ăn xa, thiếu sự quan tâm; cách giáo dục con cái không phù hợp; tác động của các mối quan hệ xã hội phức tạp khác… Vì vậy, cách đây một năm, nhà trường đã thành lập phòng công tác xã hội trường học và mời một số chuyên gia về lĩnh vực công tác xã hội đến tư vấn, giúp đỡ các em. Vào sáng thứ 5 hằng tuần, các chuyên gia trực tiếp có các hoạt động can thiệp, hỗ trợ những học sinh chưa ngoan, có những biểu hiện như: Vô lễ với thầy giáo, cô giáo, cha mẹ; lười học, yêu sớm, nghiện game... Kết quả hoạt động công tác xã hội của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thời gian qua cho thấy, có nhiều học sinh đã thay đổi bước đầu về hành vi, thậm chí có những em sớm nhận ra và thay đổi tích cực (khoảng 20 trường hợp). Bên cạnh các thuận lợi, thầy giáo Phan Như Hùng cũng chỉ ra một số khó khăn, bất cập do trường chưa có cán bộ chuyên trách, như: Các chuyên gia chủ yếu đến từ trường đại học, công việc tư vấn, can thiệp chỉ là kiêm nhiệm, nhiều khi không bố trí, sắp xếp được thời gian. Nhà trường đề nghị Bộ GD và ÐT sớm ban hành văn bản pháp lý về việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học; cần có nhân viên công tác xã hội trường học được đào tạo chuyên nghiệp; có biên chế, chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho đội ngũ này. Các cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên phải được tập huấn về công tác xã hội trường học để hiểu rõ và ủng hộ hoạt động này trong trường học.

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Unicef Việt Nam, qua nghiên cứu, thống kê, học sinh ở nước ta bị bạo lực, bỏ học, học kém… ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 2015 có hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau; 51,9% học sinh từng bị bạo lực trong sáu tháng; chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy an toàn trong trường học. Năm 2016, cả nước có 4% học sinh tiểu học, 11,2% học sinh THCS bỏ học; 52% học sinh dân tộc thiểu số học hết THCS… Vì vậy, Bộ GD và ÐT cũng như các địa phương, trường học, cần có các biện pháp hữu hiệu, kịp thời để phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp học sinh; phát triển môi trường học tập an toàn, thân thiện. Các trường cần tiếp tục rà soát các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến học tập của học sinh; tư vấn cho phụ huynh, giáo viên nhằm phát hiện sớm các trường hợp học sinh có vấn đề về sức khỏe, tâm lý, nguy cơ bỏ học, bị bạo lực.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị học sinh, sinh viên (Bộ GD và ÐT) Dương Văn Bá cho biết, công tác tư vấn học đường, tư vấn tâm lý học đường đã được triển khai. Một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðồng Tháp… đã chủ động thành lập phòng tư vấn học đường. Bộ GD và ÐT đã phối hợp sáu địa phương, trường đại học khảo sát gần 1.600 học sinh. Kết quả cho thấy, có 33,4% học sinh gặp khó khăn về mối quan hệ xã hội; 19,9% học sinh thiếu định hướng; 26,5% học sinh cảm thấy luôn kém cỏi; 21,5% có suy nghĩ chán nản về cuộc sống và 29,1% học sinh luôn quyết tâm nhưng không thực hiện được. Qua nghiên cứu khảo sát tại các địa phương, Bộ GD và ÐT nhận thấy, các trường học hiện đã xây dựng được quy chế phối hợp với các ngành như: công an, y tế, tuy nhiên các trường chưa có cơ chế phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội cũng như chính quyền địa phương.

Để thực hiện tốt công tác xã hội trường học, bên cạnh các giải pháp, các trường cần giữ bí mật thông tin cá nhân của người được hỗ trợ, nhất là các vấn đề nhạy cảm; lắng nghe ý kiến người được hỗ trợ… Ðồng thời, có biện pháp phát hiện, ngăn ngừa các nguy cơ trong và ngoài nhà trường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập của học sinh; can thiệp, trợ giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh có nguy cơ bỏ học, bị căng thẳng, khủng hoảng. Ngoài ra, các trường phân công một lãnh đạo phụ trách công tác xã hội, bố trí ít nhất một nhân sự (Bí thư Ðoàn trường, giáo viên làm Tổng phụ trách đội, cán bộ y tế, nhân viên hỗ trợ trẻ khuyết tật) làm cán bộ đầu mối triển khai công tác xã hội trong trường học. Ðối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tùy thuộc vào khả năng, điều kiện của nhà trường có thể bố trí cán bộ chuyên trách làm đầu mối triển khai công tác xã hội trường học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để triển khai được các công việc trên, Bộ GD và ÐT cần sớm có quy định công tác xã hội trong trường học để thống nhất cách hiểu, cách triển khai cho các trường.

THẢO TIÊN và THÀNH MAI 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm