Cập nhật: 06/07/2018 14:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội đồng Anh tại Việt Nam vừa tiến hành ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với sự chứng kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Nữ Công tước Fairhead, Quốc vụ khanh, Bộ Thương mại quốc tế, Vương quốc Anh.

Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đã được hai bên đồng ý về nguyên tắc trong buổi gặp giữa cựu Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh Giles Lever và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai quốc gia.

Năm 2018 đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam và 25 năm hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Trong chuyến thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lần này, Nữ Công tước Fairhead, Quốc vụ khanh, Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh nhấn mạnh: “Giáo dục vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Vương quốc Anh mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam thông qua việc trao đổi kinh nghiệm cũng như chuyên môn trong các lĩnh vực với Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Tại buổi ký kết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Nữ Công tước Fairhead đã lắng nghe Báo cáo về Hệ thống Học liệu Mở (Open Online Learning Centre) do ông Allan Taggart, Giám đốc Tiếng Anh hệ thống Giáo dục của Hội đồng Anh, Khu vực Đông Á trình bày. Báo cáo này là kết quả nghiên cứu khảo sát về khả năng thành lập Hệ thống học liệu trực tuyến mở dành cho các hoạt động nâng cao trình độ tiếng Anh và thúc đẩy việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận trên toàn quốc, bao gồm vùng sâu, vùng xa. Báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia của Hội đồng Anh với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh.

Ông AllanTaggart cho biết:“Trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia của Hội đồng Anh phát hiện ra rằng việc phân tích dữ liệu giúp tạo những lộ trình học tối ưu với từng nhóm đối tượng người học riêng biệt là một giải pháp tuyệt vời trong thế kỷ 21. Vương quốc Anh là nước đi đầu trong ngành công nghệ giáo dục phát triển (EdTech), do đó có khả năng triển khai hiệu quả những phương pháp dạy vào học trực tuyến mang tính sáng tạo cao”.

“Với kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ trên toàn cầu, Hội đồng Anh tin tưởng vào khả năng hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả Hệ thống Học liệu Mở, góp phần thực hiện thành công Đề án Ngoại ngữ Quốc gia của Việt Nam” ông Taggart nói thêm.

Đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục như là một nhân tố phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội cũng như một biện pháp nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, cả hai bên tin tưởng rằng việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục sẽ có lợi cho cả hai quốc gia, mục đích của biên bản hợp tác ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Hội đồng Anh tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác trong giáo dục đào tạo và đóng góp vào sự phát triển giáo dục ở Việt Nam qua việc trao đổi kinh nghiệm và hợp tác ở những lĩnh vực ưu tiên mang tính chiến lược.

Tiếp theo Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục (MoC) ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo kể từ năm 2008, việc ký kết gia hạn Bản ghi nhớ hợp tác (MoC) giữa Hội đồng Anh và Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo lần này sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: Hợp tác để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục ở Việt Nam; Hợp tác để hỗ trợ tăng cường chất lượng và chuẩn trong giáo dục; Hợp tác để tăng cường năng lực tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Mong muốn chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy các tài trợ, hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của Hội đồng Anh tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cũng như việc hỗ trợ Đề án ngoại ngữ 2020. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng dành ưu tiên cho việc thúc đẩy các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học của Việt Nam và Vương quốc Anh cũng như thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ cở giáo dục Việt Nam và Anh quốc trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực bảo đảm chất lượng.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm