Mới đây, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đang phối hợp các lực lượng chức năng, như hình sự, quản lý hành chính, giao thông, trật tự… đồng loạt ra quân xử lý vấn nạn “cò” du lịch đang làm “đục” môi trường du lịch Đà Lạt. Trong đó, lực lượng trinh sát đã mật phục, phát hiện và đề nghị xử lý nhiều đối tượng tiếp thị trái pháp luật hoạt động dưới dạng “cò”.
Vườn hoa thành phố Đà Lạt - điểm “nóng” tình trạng “cò” du lịch trước đây cũng đã vắng bóng.
Trên xe ô-tô “biển số trắng”, chúng tôi cùng lực lượng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Đà Lạt dạo quanh điểm du lịch thường xuất hiện các đối tượng hoạt động tiếp thị dưới dạng “cò” du lịch, nắm tình hình hoạt động của các đối tượng này. Đi dần qua những điểm du lịch, những cái gật đầu chào nhau giữa Đội cảnh sát Kinh tế với những chiến sĩ công an mặc thường phục đang “cắm chốt”, quyết tâm dẹp nạn “cò” du lịch.
Đối tượng “cò” du lịch bám theo xe biển số ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi ra quân, những “bóng cò” du lịch đã vắng dần. Tại nhiều cơ sở kinh doanh đặc sản trên đường Nguyên Tử Lực, Mai Anh Đào, Phù Đổng Thiên Vương (phường 8, TP Đà Lạt), khu vực trung tâm phố núi, những chuyến xe du lịch vẫn vào ra, không thấy cảnh đeo bám của đội quân “cò” đặc sản, “cò” nhà nghỉ như trước. “Tôi thường chở khách lên du lịch Đà Lạt. Phải nói, trước đây, xe mới bắt đầu lên đèo Prenn vào trung tâm Đà Lạt thì “cò” du lịch đã xuất hiện, đeo bám môi giới nhà nghỉ, mua đặc sản… khó chịu lắm. Nếu không theo, nhiều đối tượng còn đe dọa lái xe, hướng dẫn viên. Nay đỡ lắm rồi, hai hôm nay đưa khách đến các điểm du lịch đã cảm thấy bình yên”, tài xế lái xe du lịch Nguyễn Thành Quý (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết.
Đang đỗ xe tại cổng vườn hoa TP Đà Lạt đợi khách đi tham quan, anh Nguyễn Ngọc Phụng (huyện Thuận An, Trà Vinh), thổ lộ: “Lúc trước chở khách lên đây, có nhiều xe máy của “cò” dí theo, giờ mười phần giảm chín phần rồi. Cũng mong TP Đà Lạt làm mạnh để trả lại sự thoải mái cho du khách”.
Vẫn có đối tượng “tranh thủ” đưa danh thiếp giới thiệu dịch vụ cho lái xe biển số ngoại tỉnh (Ảnh chụp ngày 4-7, tại Khu du lịch Thung lũng tình yêu - Đà Lạt).
Từ năm 2017 đến nay, UBND TP Đà Lạt đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết không nâng ép giá, bắt chẹt khách hàng, không sử dụng lực lượng “cò” tiếp thị; soát xét, lên danh sách các đối tượng “cò”; lập hồ sơ quản lý các cơ sở kinh doanh có hành vi nâng ép giá, có biểu hiện đe dọa khách hàng, sử dụng băng nhóm “cò” tiếp thị từ xa… Qua các đợt ra quân xử lý tình trạng “cò” du lịch và qua “danh sách” điểm mặt các đối tượng “cò” của lực lượng hình sự, đến nay, Công an TP Đà Lạt đã bắt, xử lý hơn 100 đối tượng “cò” du lịch; tạm giữ 78 xe mô tô, xử phạt hơn 108 triệu đồng.
Trung tá Phạm Văn Huấn, Phó Đội trưởng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Đà Lạt, cho biết: “Cùng với ra quân xử lý tình trạng “cò” du lịch, chúng tôi tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh đặc sản. Qua đó, đã xử lý 42 cơ sở thường xuyên sử dụng “cò” tiếp thị, chèo kéo du khách; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử phạt hành chính hơn 180 triệu đồng”.
Có thể điểm mặt những cơ sở kinh doanh đặc sản thường xuyên sử dụng đội ngũ “cò” tiếp thị, như: Bảo Khang (đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP Đà Lạt), đã năm lần bị xử phạt về hành vi sử dụng “cò” tiếp thị chèo kéo du khách; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Và “nổi cộm” nhất là cơ sở Tấn Phát (đường Nguyên Tử Lực), bị xử phạt 12 lần về hành vi sử dụng “cò” tiếp thị chèo kéo, ép buộc du khách mua hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TP Đà Lạt chấn chỉnh một số hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu xử lý triệt để tình trạng “cò” các dịch vụ du lịch trái quy định, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP Đà Lạt, công an thành phố đã nhiều lần ra quân xử lý đối tượng “cò” du lịch tại các điểm “nóng”. Chúng tôi cũng đã chụp hình, lập danh chỉ bản để phục vụ công tác đấu tranh xử lý”, Trung tá Phạm Văn Huấn cho biết.
Công an TP Đà Lạt đã thành lập và duy trì thường xuyên các tổ công tác gồm nhiều lực lượng để đấu tranh với các đối tượng “cò” du lịch, tăng cường tuần tra các điểm “nóng”, bắt và xử lý. Qua một buổi “thị sát” tình hình hoạt động của “cò” du lịch, không thấy xuất hiện tình trạng “cò” tụ tập, chèo kéo du khách để ép đến mua hàng tại các cơ sở kinh doanh đặc sản. Song, có lẽ đó mới chỉ là sự “tạm lắng”, khi có sự ra quân ráo riết của lực lượng chức năng?! Theo Phó Đội trưởng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Đà Lạt: “Có lẽ, vì chế tài xử lý còn quá nhẹ, cùng việc chi hoa hồng cho đội ngũ “cò” quá cao, nên việc dẹp triệt để vấn nạn này khá phức tạp. Hiện chỉ dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính, vì vậy, có đối tượng bị phạt ba, bốn lần vẫn tiếp tục hành nghề”.
Lực lượng trinh sát đang xử lý “cò” du lịch tại khu vực Vườn hoa thành phố Đà Lạt.
Hiện, Công an TP Đà Lạt sử dụng lực lượng trinh sát để mai phục, theo dõi; tăng cường lực lượng khác để phát hiện bắt, xử lý ngay. Cùng với đó, tiến hành ghi hình để bắt, xử lý “nguội”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lực lượng, quyết tâm dẹp nạn “cò” du lịch, trả lại môi trường du lịch trong lành, hình ảnh thân thiện vốn có của TP Đà Lạt”, Trung tá Phạm Văn Huấn cho hay.
Liên quan đến nạn “cò” tiếp thị làm “đục” môi trường du lịch Đà Lạt, Báo Nhân Dân điện tử đã nhiều lần phản ánh. Nhưng xem ra, cần có những “phương thuốc” đặc trị mới mong xử lý triệt để nạn “cò” du lịch trên xứ nghìn hoa.
Theo BẢO VĂN/nhandan.com.vn