Cập nhật: 13/07/2018 14:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay bước sang ngày Hội nghị thứ hai với chủ đề tập trung vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài tại Afghanistan, cũng như thảo luận mối quan hệ với hai nước thành viên NATO Georgia và Ucraina.

Các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels, Bỉ ngày 11-7. (Ảnh: Xinhua)

Trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo không thuộc NATO là Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Tổng thống Ucraina Petro Poroshenko.

Thủ tướng Anh Therasa May hôm qua thông báo sẽ tăng thêm quân đội cho phái bộ đào tạo quân đội Afghanistan của NATO. Bà May nói: “Chúng tôi sẽ triển khai thêm 440 binh sĩ cho phái bộ Hỗ trợ Kiên định (Resolute Support) của NATO tại Afghanistan và điều này cho thấy khi NATO kêu gọi, Anh luôn là nước đầu tiên thực hiện”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng muốn các nhà lãnh đạo NATO lần này sẽ nhất trí tăng tài chính cho các lực lượng an ninh Afghanistan cho đến năm 2024, bất chấp sự chán nản của người dân ở các nước phương Tây với sự tham dự vào cuộc xung đột kéo dài này.

Mức đóng góp tài chính trung bình hằng năm khoảng một tỷ USD. Ông Stoltenberg nói, ông kỳ vọng sẽ đạt được mức đóng góp này.

Các nhà lãnh đạo NATO cũng chờ đợi được thông tin thêm về kế hoạch quân sự ở Afghanistan mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng cấp hồi tháng tám năm ngoái, trong đó bao gồm việc tăng cường các đợt không kích vào lực lượng phiến quân Taliban nhằm buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Mỹ Trump đã rút lại lời hứa chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến tranh kéo dài nhất của Mỹ tại Afghanistan. Ông Trump đã cho triển khai thêm ba nghìn quân, nâng tổng số quân Mỹ có mặt tại quốc gia Nam Á này lên khoảng 15 nghìn binh sĩ.

Tại hội nghị thượng đỉnh hôm nay, các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ có các cuộc thảo luận về mối quan hệ với Georgia và Ucraina. Các thành viên NATO hy vọng hai nước này có thể đóng góp quân đội cho cuộc chiến tại Afghanistan.

Trên thực tế, đây là hai nước muốn gia nhập NATO nhưng lại đang có các vấn đề xung đột lãnh thổ với Nga. Theo quy định của NATO, các quốc gia có xung đột lãnh thổ không thể gia nhập tổ chức này. 

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm