Cập nhật: 14/07/2018 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong kỹ thuật an ninh - quốc phòng, kính quan sát có vai trò rất quan trọng. Để bảo đảm tính chính xác về mặt quang học, vấn đề bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa kính quan sát luôn là nhiệm vụ được các đơn vị kỹ thuật quan tâm.

Với khí hậu nóng, ẩm của nước ta, kính quan sát sau một thời gian sử dụng thường xuất hiện vết mờ, mốc, làm giảm và mất tính năng kỹ thuật của kính. Các nhà khoa học của Trung tâm Phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu, chế tạo thành công vật liệu tạo màng phủ kị nước cho kính quan sát ban ngày, ứng dụng trong bảo quản và sử dụng các trang bị kỹ thuật an ninh - quốc phòng. Các nhà khoa học đã phân lập và xác định được bốn chủng nấm mốc gây mờ kính quan sát; lựa chọn được hệ vật liệu tạo màng bảo vệ kính quang học; đưa ra quy trình công nghệ chế tạo vật liệu tạo màng phủ kị nước cho kính quan sát…

Phần mềm giúp chẩn đoán bệnh

Các lập trình viên nước Nga đã phát triển một phần mềm có thể giúp chẩn đoán chính xác các dạng bệnh parkinson. Phần mềm có thể dự đoán những triệu chứng đầu tiên như biết được những người bị giảm nồng độ đồng trong máu, trong tương lai có thể bị một rối loạn trong cơ thể khiến người nghiêng sang một bên. Bằng cách sử dụng các phương pháp phân tích toán học, các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu bệnh án của gần 200 người ở độ tuổi 40 đến 80, phân tích các triệu chứng, mức độ rối loạn các cử động, kết quả cho thấy, độ chính xác của chẩn đoán qua phân tích dữ liệu là 96%. Phần mềm còn có thể chỉ định những loại thuốc giúp hạn chế các triệu chứng bệnh.

Tạo giác mạc nhân tạo

Các nhà khoa học tại Đại học Niu-cát-xơn, Vương quốc Anh đã phát triển thành công giác mạc nhân tạo nhờ công nghệ in 3D. Nhóm nghiên cứu trộn lẫn tế bào gốc lấy từ giác mạc của một người hiến tặng khỏe mạnh với alginate và collagen để tạo ra một loại “mực in sinh học”. Sau đó, dùng máy in 3D để ép thành các vòng tròn đồng tâm, tạo thành hình dạng giác mạc của con người, thời gian in mất khoảng 10 phút. Giác mạc in 3D không có mạch máu khiến quá trình cấy ghép dễ dàng hơn. Các nhà khoa học cho biết, giác mạc in 3D sẽ phải trải qua nhiều thử nghiệm trong vài năm tới trước khi có thể sử dụng cấy ghép cho người. Công nghệ này mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân có nhu cầu ghép giác mạc. 

Theonhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm