Việc Hạ viện Anh thông qua dự luật thuế mới cho thời hậu Brexit càng khiến nội bộ Chính phủ Anh thêm lục đục.
Tối 16/7, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật Thuế quan do Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đệ trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trường nước Anh còn đang bất đồng nghiêm trọng về vấn đề Brexit (Anh rời EU), việc Hạ viện thông qua dự luật mới chẳng những giúp hạ nhiệt những căng thẳng, mà ngược lại, càng khiến nội bộ Chính phủ Anh thêm lục đục.
Thủ tướng Anh Theresa May ra sức bác bỏ ý kiến cho rằng kế hoạch Brexit bị cho là "mềm" của bà đã "chết chìm". (Ảnh: BBC)
Sau quá trình tranh luận kéo dài tới 7 giờ, dự luật Thuế quan của chính phủ Anh, với 4 sự điều chỉnh, đã được Hạ viện nước này thông qua với tỉ lệ 318 phiếu thuận và 285 phiếu chống.
Trong số các điều chỉnh, đáng chú ý có điều khoản Anh sẽ không thu thuế cho EU sau Brexit, trừ phi có sự dàn xếp đối ứng. Dự kiến, dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện Anh để thông qua trước khi chính thức trở thành luật.
“Tôi sẽ không làm mọi giá để đảm bảo rằng đạt được dự luật này, mà phải xem cách mà dự luật này được thông qua. Chính những nghị sỹ có mặt tại đây sẽ là những người quyết định dự luật” - Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố ngay trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.
Tuy nhiên, việc Hạ viện thông qua dự luật Thuế quan lại là đòn giáng mới với Thủ tướng Theresa May, khi ông Guto Bebb - một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Anh, đã từ chức để phản đối việc chính phủ chấp thuận những sửa đổi đối với dự luật này do các nghị sĩ ủng hộ Brexit đưa ra.
Chưa hết, truyền thông Anh cùng ngày đưa tin, các đối thủ của Thủ tướng Theresa May trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đang thu thập chữ kí để yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà. Một số nguồn tin cho hay, con số chữ kí thu thập được đã gần đạt mốc 48 đủ để yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trong khi đó trước đó cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã tuyên bố sẽ không có cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Tuyên bố này được người phát ngôn Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra vào hôm qua trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nội các Anh vẫn chưa chấp dứt khi thành viên thứ 9 trong Chính phủ nước này từ chức nhằm phản đối kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May.
Rõ ràng, Nội các Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng khi chỉ trong vòng chưa tới 2 tuần, Thủ tướng Anh đã nhận đơn từ chức của 9 thành viên nội các nhằm phản đối kế hoạch “Brexit mềm”.
Người đầu tiên có động thái này là Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit David Davis, tiếp theo là Ngoại trưởng Boris Johnson cùng một số bộ trưởng khác đã có quyết định tượng tự chỉ vài ngày sau đó. Tiếp đó, ngày 15/7, ông Robert Courts, một nghị sĩ thân tín, đã thông báo quyết định từ chức khỏi vị trí Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh.
Thủ tướng Theresa May đã lên tiếng cảnh báo đảng Bảo thủ cầm quyền rằng sẽ không có thỏa thuận Brexit nào nếu các nghị sĩ Anh tiếp tục “phá hỏng” kế hoạch Brexit của bà về việc duy trì các mối quan hệ kinh tế bền vững với EU hậu Brexit.
Giới quan sát nhận định, bằng việc cảnh báo tiến trình Brexit đang trong nguy hiểm, bà Theresa May đang gửi đi thông điệp thẳng thắn tới phe ủng hộ Brexit “cứng” trong chính phủ rằng nếu tiếp tục gây khó dễ cho bà, họ có thể bỏ phí chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit hồi năm 2016 mà họ đã nỗ lực thúc đẩy.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV.VN