Đã hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, đến nay vẫn còn khoảng 200 nghìn liệt sĩ chưa được quy tập, hiện còn đang nằm ở đâu đó trên cả nước, nước bạn và khoảng hơn 300 nghìn liệt sĩ tuy đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn chưa xác định được danh tính... Đó là điều day dứt, trăn trở của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
Để tri ân những người con đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, với nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội và người dân cả nước đã, đang tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Hằng năm tìm kiếm quy tập hàng nghìn HCLS ở trong nước và ngoài nước, bằng thực chứng và giám định gen đã xác định hàng trăm danh tính liệt sĩ để báo tin tới thân nhân liệt sĩ.
Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính HCLS đang gặp nhiều khó khăn. Đó là việc thiếu thông tin về liệt sĩ, HCLS; hồ sơ, sơ đồ quy tập HCLS; địa hình, địa vật phức tạp và thay đổi; số lượng hài cốt nhiều, nằm nhiều nơi ở trong nước và ngoài nước hay như số mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần phân tích quá lớn; HCLS được an táng và di chuyển nhiều lần, được chôn cất trong thời gian quá dài (40 đến 50 năm) cho nên bị phân hủy nhiều, chất lượng gen ADN lưu lại kém, do vậy khó khăn cho việc lấy mẫu và phân tích ADN. Trong khi đó, thân nhân liệt sĩ phần lớn tuổi đã cao, sức yếu, việc lấy mẫu sinh phẩm khó khăn, cá biệt có những liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu theo dòng mẹ. Đến nay, chúng ta cũng chưa có ngân hàng gen để lưu giữ và so sánh kết quả phân tích ADN của HCLS và sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị giám định chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác xác định HCLS còn thiếu thông tin; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác xác định HCLS còn thiếu thông tin. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan thực hiện việc tiếp nhận thông tin về quy tập HCLS, mộ liệt sĩ để báo tin về liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ cho gia đình liệt sĩ. Chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác xác định HCLS. Nhờ vậy, một số địa phương đạt được hiệu quả cao trong việc xác định danh tính liệt sĩ như: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An...
Để thực hiện tốt công tác quản lý và chăm sóc người có công, Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc người có công cũng như công tác tìm kiếm, quy tập, giám định danh tính liệt sĩ. Trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) năm nay, dự án Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ được hoàn thiện và ra mắt, nhằm phục vụ người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, cập nhật, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trong phạm vi cả nước; xây dựng ngân hàng gen để lưu trữ, đối khớp ADN HCLS và sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Đây là một trong rất nhiều hoạt động nghĩa tình, thiết thực tri ân đối với đối tượng chính sách, người có công trong cả nước.
Theo NHẬT ANH/nhandan.com.vn