Cập nhật: 20/07/2018 10:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 3, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, tài sản của nhân dân. Hiện nay, các địa phương đang tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ các hộ dân xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân sửa chữa nhà bị tốc mái.

Đưa bà Trần Thị Năm (89 tuổi) trở về nhà sau một ngày đi tránh bão, chị Trần Thi Xuân (con dâu bà Năm) ở thôn 2, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: "Chỉ trong chốc lát, toàn bộ mái ngói phía sau ngôi nhà chính đã bị lốc xoáy cuốn phăng. Rất may trước đó, mẹ tôi đã được chính quyền địa phương và nhân dân đưa đến nơi an toàn cho nên sức khỏe vẫn được bảo đảm". Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ Trần Xuân Chương, tối 18-7, trên địa bàn xuất hiện lốc xoáy quét qua thôn 2 làm tốc mái, sập giàn che của 13 hộ dân. Lãnh đạo chính quyền địa phương đã kịp thời huy động lực lượng vũ trang sửa chữa kịp thời 13 ngôi nhà, giàn che bị hư hỏng. Cùng ngày, các lực lượng vũ trang hỗ trợ địa phương tiêu thoát nước cho lúa, hoa màu ngập lụt, hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Ðối với 30 ha diện tích kê, ngô bị hư hỏng hoàn toàn do nước lũ, xã động viên người dân trồng khoai thay thế, riêng 11 trong số 55 ha diện tích lúa hè thu đã gieo trồng, bị ngập lụt, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, hoàn thiện việc xuống giống trước ngày 30-7.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù bão số 3 không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn nhưng do mưa lớn, hàng nghìn héc-ta diện tích lúa hè thu, rau màu bị ngập lụt. Theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà, do toàn bộ diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng cho nên thời gian ngập úng ngắn sẽ ít tác động đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và tính đến chiều 19-7, nước bắt đầu rút, nhiều diện tích không bị ngập úng. Tranh thủ ngớt mưa, các địa phương tích cực huy động tổ chức đoàn thể cùng nông dân ra đồng khơi thông dòng chảy cho lúa hè thu. Riêng diện tích hoa màu, nhất là cây ngô bị ngập úng, gây hư hại hoàn toàn, Chi cục đang đề nghị cấp trên hỗ trợ giống người dân sản xuất.

Từ ngày 13 đến 19-7, tại Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Sáng 19-7, Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia Nguyễn Xuân Thủy cho biết, khi bão đổ bộ vào đất liền, trên địa bàn huyện có gió mạnh cấp 7, cấp 8, mưa không lớn. Toàn huyện có hơn 3.000 ha lúa, màu bị ngập nước. Ở huyện vùng chiêm trũng Nông Cống, tổng lượng mưa lên tới 415 mm, mực nước trên sông Yên cao 2,8 m, trên mức báo động 2. Mưa kéo dài làm 4.000 ha lúa mùa bị ngập, trong đó có khoảng 1.500 ha lúa vùng ngoại đê không có khả năng tiêu úng. Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Huyện phân công cán bộ bám địa bàn cùng chính quyền, nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, vận hành chín trạm bơm điện hoạt động hết công suất, bơm tiêu thoát nước cứu lúa; rà soát và chuẩn bị phương án sơ tán dân vùng ngoại đê, khu vực trũng thấp đến nơi an toàn khi có mưa lũ lớn. Tại huyện Ðông Sơn, mưa, bão làm 1.250 ha lúa bị ngập. Chi nhánh thủy nông Ðông Sơn cho biết đang vận hành sáu trạm bơm tiêu, tổng công suất gần 50 nghìn m3/giờ cùng 60 km kênh tiêu để bơm, tiêu thoát nước cho 4.000 ha cây trồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ðức Quyền cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh hiện nay là chỉ đạo các công ty thủy nông vận hành, khai thác tối đa công suất các trạm bơm, nỗ lực bơm tiêu nước, chống úng cho cây trồng. Các địa phương phân công lực lượng, chủ động khơi thông dòng chảy, thoát nước, khắc phục hư hỏng nhà ở, đường giao thông, chủ động vệ sinh môi trường các khu dân cư bị ngập, trợ giúp gần 780 hộ làm vệ sinh nhà cửa sau khi nước rút. Các công ty khai thác công trình thủy lợi đang vận hành gần 78 trạm bơm chống úng cây trồng.

Huyện Quỳnh Lưu là một trong những địa phương của tỉnh Nghệ An bị bão số 3 tràn qua trong tối 18-7. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Danh Lai cho biết đến sáng 19-7, toàn huyện có 1.450 ha lúa, 788 ha ngô, rau màu cùng 121 ha nuôi trồng thủy sản và 15 nghìn tấn muối bị ngập, dập úng. Ngoài ra, 44 nhà bị ngập nước, 26 cột điện đổ gãy, 60 ha rừng gãy đổ… Huyện đang chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu và các xã quản lý hệ thống kênh tiêu chính triển khai phương án tiêu úng; huy động lực lượng tập trung khơi thông các trục tiêu và vận hành các cống tiêu, chủ động tiêu nước đệm, để phòng mưa lớn gây ngập úng tiếp tục do hoàn lưu sau bão. Tại huyện Diễn Châu, mưa to làm 5.000 ha lúa, 1.900 ha vừng, 50 ha dưa hấu, 500 ao cá, tôm ngập sâu trong nước. Hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo tiêu úng cống Diễn Thành hết công suất, khơi thông bèo tây để tạo dòng chảy thông thoáng, đồng thời be bờ, đắp bờ ao bảo vệ tôm cá.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Toàn tỉnh hiện bị ngập trên diện rộng, bao gồm các huyện: Nam Ðàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... Diện tích lúa, hoa màu bị ngập ước tính khoảng 20 nghìn ha; 922 ha ao nuôi trồng thủy sản cũng bị ngập, mất trắng... Hiện ngành và các địa phương đang tập trung gạn triều, tiêu úng và huy động các trạm bơm chống úng cục bộ.

Đáng lo ngại là trong ngày 19-7, hoàn lưu sau bão số 3 đã gây mưa rất to, khiến nước lũ trên các khe, suối ở miền tây xứ Nghệ dâng cao, cuốn trôi một số nhà cửa, cắt đứt một số tuyến đường, giao thông bị chia cắt và tê liệt ở nhiều nơi. Nhiều bản làng ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… đang bị cô lập. Một số hồ đập có nguy cơ bị vỡ. Phát huy tinh thần "bốn tại chỗ", các địa phương đã huy động lực lượng và vật tư, phương tiện tại chỗ để cứu người, cứu tài sản, vật nuôi cũng như bảo đảm an toàn các hồ đập, hạn chế thiệt hại do mưa lũ sau bão gây ra. Ðồng thời, kịp thời bố trí sơ tán người ở những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Tại các tuyến giao thông bị ngập hay bị ách tắc do "đứt" đường, chính quyền địa phương cùng ngành giao thông và lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đang tổ chức lập barie, chốt chặn hai đầu, ngăn không cho người qua lại…

Trong khi diễn biến mưa lũ đang hết sức phức tạp, hiện có 41 người ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vẫn đang kẹt trong rừng, do đi hái măng trước khi bão vào. Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Ngô Ðức Thuận cho biết: "Chiều 19-7, địa phương và gia đình vừa liên lạc được với những người trong rừng, chúng tôi yêu cầu, mọi người phải tìm vị trí bảo đảm an toàn để làm lán trại, sử dụng lương thực, thực phẩm tiết kiệm, luân phiên sử dụng điện thoại, thường xuyên liên lạc với chính quyền và gia đình… Khi bảo đảm an toàn, mọi người sẽ ra khỏi rừng ngay lập tức".

Mai Luận, Thành Châu và Ngô Tuấn 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm