Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đang được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả công việc, tiết kiệm sức lao động. Nhiều chuyên gia cho rằng, với lợi thế về nhân lực, về khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ nhanh, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm nghiên cứu về TTNT của khu vực và thế giới nếu thu hút được các nguồn lực để phát triển công nghệ này.
Hoạt động nghiên cứu phát triển phần mềm tại Công ty Got It (văn phòng ở Hà Nội).
TTNT là công nghệ do con người tạo ra cho máy móc với mục tiêu máy móc có được những trí tuệ của con người như: Biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề; biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói; biết học và tự thích nghi. Nhiều chuyên gia dự báo, vào khoảng năm 2029, TTNT sẽ bắt kịp trí tuệ con người và con người sẽ phải nhường lại hàng triệu việc làm cho TTNT xử lý. Cách đây hơn một năm, một nhóm bác sĩ ở Nhật Bản và chương trình điện toán biết nhận thức đã độc lập xem xét hồ sơ của một bệnh nhân ung thư và đưa ra hai phác đồ điều trị khác nhau.
Chương trình điện toán biết nhận thức đã phân tích và tổng hợp từ 40 triệu tài liệu, thông tin trong vòng 15 giây về những ca bệnh tương tự và đã đưa ra được phương án xử lý tối ưu nhất, được các bác sĩ chấp nhận. Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, việc ứng dụng TTNT còn giúp các đơn vị tài chính, ngân hàng có thể phân tích những tương tác của khách hàng trên mạng xã hội để dự đoán nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra những sản phẩm, chương trình khuyến mãi phù hợp như cho vay vốn sửa nhà, mua xe...
Các hãng bảo hiểm có thể phát hiện và ngăn chặn các trường hợp trục lợi bảo hiểm khi TTNT giúp phân tích hồ sơ dữ liệu số và đưa ra cảnh báo các trường hợp nghi ngờ.
Tại Việt Nam, hiện nay đã có một số nhóm nghiên cứu về TTNT với những thành tựu nhất định trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng như: Máy tự động dịch ngôn ngữ, nhận dạng đối tượng qua ca-mê-ra, trợ lý ảo trên điện thoại di động… Vừa qua, phần mềm Zalo của Công ty cổ phần VNG cho ra mắt hệ thống tự động trả lời các nội dung liên quan World Cup, các câu hỏi bất kỳ về giải bóng đá này đều được TTNT tự động trả lời hoặc gợi ý các thông tin liên quan cho người dùng... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua TTNT bởi có lợi thế về lượng người sử dụng dịch vụ viễn thông lớn, 35% số dân sử dụng mạng xã hội, với thời gian sử dụng bình quân 25 giờ mỗi tuần, cao hơn gần 15% so với bình quân chung trên thế giới. Việt Nam cũng có thể xuất khẩu phần mềm hoặc gia công phần mềm ứng dụng công nghệ TTNT, là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn nhiều sản phẩm phần mềm thông thường.
TS Trần Việt Hùng, người sáng lập Got It cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng TTNT để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Như trong lĩnh vực giao thông, vận tải, có thể giúp các lái xe biết khu vực nào đang bị tắc đường và đưa ra lộ trình khác thích hợp. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, dựa vào thói quen tiêu dùng, TTNT có thể phân tích để đưa ra các sản phẩm phù hợp. Trong lĩnh vực giáo dục, các ứng dụng TTNT có thể hiểu được học sinh, sinh viên một cách cụ thể, từ đó đưa ra các chiến lược đào tạo thích hợp đối với từng người…
Tuy nhiên, để nắm bắt, phát triển và ứng dụng được TTNT, Việt Nam phải đáp ứng được ba yếu tố chính là: Cơ sở dữ liệu, khả năng tính toán và nhân lực. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu, dữ liệu càng nhiều, càng tốt thì giải thuật của máy móc càng tốt. Nếu có nhiều dữ liệu nhưng tính toán không tốt thì cũng không tận dụng được. Yếu tố con người cũng là quyết định, do máy móc, các giải thuật được thiết kế bởi con người, hệ thống TTNT do con người làm ra. Việt Nam được đánh giá có lợi thế về nhân lực trẻ nhưng khó khăn là chưa xây dựng được những cơ sở dữ liệu dùng chung khổng lồ. Hiện tại, nguồn dữ liệu phân tán ở các ngành, lĩnh vực mà chưa có sự kết nối, chia sẻ hiệu quả.
Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), sau Chỉ thị số 16 của Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động để chủ động tiếp cận. Tuy nhiên, trong khi các bộ, ngành ở trung ương đã chủ động vào cuộc thì nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về cách mạng công nghiệp 4.0. Để tiếp tục tăng cường năng lực tiếp cận, Bộ KH và CN đã đề xuất, huy động sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, các cấp và xã hội để xây dựng Chiến lược tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp xu thế phát triển của cuộc cách mạng này; xác định các công nghệ cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới; lựa chọn, đề xuất một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp, phát triển dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Nhật Minh/nhandan.com.vn