Cập nhật: 25/07/2018 08:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 20-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cùng UBND TP Đà Lạt tổ chức Hội thảo “Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: Văn minh - thân thiện - an toàn”. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Chào mừng kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, phân tích yếu tố về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường tự nhiên… hình thành nên phong cách, văn hóa ứng xử người Đà Lạt: Hiền hòa - thanh lịch - mến khách. Đồng thời, làm rõ yếu tố tác động làm biến đổi phần nào những nét đẹp, phong cách ứng xử người Đà Lạt trong thời kỳ hội nhập; đưa ra giải pháp nhằm giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp của người Đà Lạt, cùng văn hóa dân tộc bản địa Lâm Đồng, gắn với hoạt động phát triển kinh tế và du lịch bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho rằng, khi nói đến văn hóa Đà Lạt - Lâm Đồng, là nói đến bản sắc văn hóa độc đáo, được tạo nên bởi 43 dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất nam Tây Nguyên này. Trong đó, những nét cơ bản và văn hóa ứng xử của con người Đà Lạt được hình thành trên cơ sở hội tụ những gì tinh túy nhất của bản sắc văn hóa cư dân bản địa và mọi miền Tổ quốc. Phong cách đó đã lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước, góp phần làm nên một Đà Lạt - Lâm Đồng đầy yêu thương và quyến rũ.

Ngược dòng lịch sử, từ xa xưa, Đà Lạt là quê hương lâu đời của người Cơ Ho Lạch, Cơ Ho Cil. Sau đó, từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Kinh bắt đầu lên cao nguyên Lang Biang lập nghiệp, thành lập làng và chọn Đà Lạt làm quê hương. Bởi thế, Đà Lạt là nơi hội tụ của người tứ xứ miền quê, là kết quả tổng hợp các tinh hoa vùng, miền để hình thành cho mình nét riêng. Chắt lọc, tinh chế, tổng hòa đã “đúc” thành mẫu người Đà Lạt có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà thành mà không phải Hà thành, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi… Trong con người Đà Lạt hôm nay có cái tế nhị, trọng lễ nghi của người đất Thăng Long; có nét quý phái của người cố đô Huế, mộc mạc của người Nam - Ngãi - Bình - Phú… Tính cách, phong thái, ứng xử của người Đà Lạt vừa mang phong cách chung của dân tộc Việt Nam, lại có nét riêng. Cố Giáo sư Hồ Tấn Trai, nguyên giảng viên Trường đại học Đà Lạt, từng cho rằng: “Nói phong cách Đà Lạt, tức nói phong cách người Việt Nam đã có một quá trình Đà Lạt hóa”.

Đà Lạt, một góc nhìn.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng, không chỉ người Đà Lạt, mà trong mắt khách lãng du Đà Lạt rất đẹp. Đẹp về cảnh quan thiên nhiên, tuyệt vời về khí hậu; là lựa chọn số một cho những ai thích du lịch kết hợp nghỉ dưỡng; với các biệt danh thủ phủ mùa hè, thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù… kể cả biệt danh rất dễ tự ái “thành phố buồn”. Ông bảo, Đà Lạt xưa và Đà Lạt nay đều đẹp. Nhưng khách quan hỏi thẳng, Đà Lạt xưa hay Đà Lạt nay, Đà Lạt nào đẹp hơn? Nhiều người cũng trả lời thẳng, Đà Lạt xưa đẹp hơn! Số người còn lại thì phân vân… so sánh là khập khiễng. Nhưng chắc rằng, khó ai trả lời Đà Lạt nay đẹp hơn, bởi thực trạng Đà Lạt đang xấu đi, những cánh rừng bị chặt phá, kiến trúc bị xâm hại, hàng quán lộn xộn, nói thách, chặt chém… trở nên phổ biến.

Thực tế, Đà Lạt đã phát triển rất xa so với trước đây, dân số đã lên hơn 227 nghìn người, tăng gần ba lần so với ngày trước giải phóng. Hằng năm, phố núi thu hút gần sáu triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận chia sẻ, hiện các loại hình du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển phong phú, đa dạng; đời sống người dân không ngừng nâng cao và nhịp sống ở Đà Lạt ngày càng sinh động hơn. Bên cạnh những yếu tố tích cực, còn có những hạn chế cần khắc phục, trong đó, đáng chú ý là sự xuống cấp về văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ của người Đà Lạt.

Nông dân phố núi.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng bày tỏ, trước hết, cần tạo lập không gian sống văn minh cho Đà Lạt, bởi môi trường sống văn minh quyết định hành vi ứng xử văn minh; cần cẩn trọng trong phát triển du lịch, xem xét lại kỹ lưỡng và khoa học. Ông cho rằng, bản sắc văn hóa Đà Lạt hình thành từ mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và tinh hoa văn hóa nguyên quán của cư dân. Thế giới càng phẳng thì bản sắc văn hóa càng được giữ gìn, tôn vinh, trân trọng. Bản sắc văn hóa người Đà Lạt có ý nghĩa tạo ra nét riêng, đặc sắc rất cần cho hình ảnh du lịch Đà Lạt.

Không gian hoa Đà Lạt hấp dẫn du khách.

Để phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử người Đà Lạt trong phát triển du lịch bền vững, nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh gợi ý: “Một trong những yếu tố giúp du lịch Thái-lan phát triển nhanh và bền vững, là phong cách người Thái-lan thực hiện hai chữ “smooth and smile” (tạm dịch: hiền dịu và mỉm cười). Đây là bài học quý cho Đà Lạt”.

Theo MAI VĂN BẢO/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm