Sau 10 năm hợp nhất đến nay, du lịch Hà Nội đã có khách đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt là khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á và nhiều thị trường khác.
Hà Nội đã đón từ 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2017, tăng xấp xỉ gấp 4 lần so với năm 2008, tăng 15% so với số chỉ tiêu dự báo. Thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, từ chỗ chỉ chiếm khoảng 30% cả nước giai đoạn 2000-2010, năm 2017 đã chiếm tỷ trọng gần 40% so với cả nước.
Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long
Liên tục tăng trưởng
Giai đoạn 2008 - 2017, khách du lịch nội địa tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, trong đó tăng trưởng mạnh giai đoạn 3 năm từ 2008 đến 2010 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 18%/năm. Thị phần khách du lịch nội địa đến Hà Nội bình quân đạt 35% so với cả nước, riêng năm 2017 đạt xấp xỉ 25,8% so với cả nước. Tổng thu từ khách du lịch tăng tương đối ổn định, giai đoạn 2008 - 2016 tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm. Năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 70.958 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội trong giai đoạn từ 2008 - 2017 bình quân đạt 22,18% thị phần so với toàn quốc. Với tốc độ tăng trưởng đều, tương đối ổn định của các thị trường khách, đặc biệt các thị trường khách du lịch có mức chi trả cao, du lịch Hà Nội sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu từ khách du lịch trên toàn quốc. Theo kết quả điều tra sơ bộ, năm 2017, ngành du lịch đã đóng góp 8,07% vào GDP của thành phố, trong đó đóng góp trực tiếp là 3,24% và đóng góp gián tiếp là 4,83%.
Hiện nay, Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành hoạt động, tính đến hết năm 2017 có 1.046 doanh nghiệp, trong đó 850 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (chiếm 55% cả nước); hằng năm đều có từ 2-3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Hà Nội được vinh danh trong top 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam. Hà Nội hiện có 68 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch trên địa bàn, trong đó: 62 doanh nghiệp vận chuyển khách bằng ô tô, 4 doanh nghiệp vận chuyển xích lô và 2 doanh nghiệp vận chuyển khách bằng xe điện, với khoảng 3.000 xe ô tô chuyên dụng chở khách du lịch. Hiện nay, dịch vụ xe ôtô chất lượng cao từ Hà Nội nối với các địa phương khác tương đối thuận lợi, an toàn. Dịch vụ xe điện vận chuyển khách tham quan trong khu vực quận Hoàn Kiếm và Hồ Tây đã góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch thành phố, sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, cần khuyến khích để phát triển ở các điểm du lịch khác. Bên cạnh đó, các hình thức vận chuyển khách du lịch khác như: vận chuyển bằng đường hàng không, đường sắt, tàu du lịch trên sông Hồng cũng đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch khi đến Hà Nội.
Nâng cấp sản phẩm
Sau khi hợp nhất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, trên địa bàn thành phố có tổng số 776 cơ sở lưu trú với 16.851 buồng phòng, trong đó có 204 cơ sở lưu trú được xếp hạng (gồm 35 khách sạn khối 3-5 sao với 8 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao), chiếm tỷ trọng 26,28%. Sau gần 10 năm, tính đến hết năm 2017, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tăng gần 5 lần, đạt 3.546 cơ sở, số lượng buồng phòng tăng hơn 3,5 lần, đạt 60.458 buồng phòng, chiếm 12% so với tổng số buồng phòng lưu trú cả nước; trong đó 599 cơ sở lưu trú đã xếp hạng (có 68 khách sạn từ 3-5 sao với 15 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao, 36 khách sạn 3 sao và 5 khu căn hộ du lịch cao cấp từ 4-5 sao).
Số lượng cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 đến 5 sao tính đến hết năm 2017 tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008. Mức tăng trưởng này cho thấy các cơ sở lưu trú của Hà Nội phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, bên cạnh đó còn thể hiện tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới với việc đi vào hoạt động của nhiều khách sạn 5 sao có quy mô, thương hiệu đẳng cấp chất lượng cao như: JW Marriott, Lotte Hà Nội, Grand Plaza Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake... Chất lượng dịch vụ trong các khách sạn, đặc biệt khách sạn 4-5 sao, tương đương hoặc có chất lượng cao hơn các khách sạn cùng loại trên thế giới và khu vực, có đủ điều kiện để tổ chức các hội nghị quốc tế lớn.
Nâng cấp sản phẩm du lịch tại khu di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh với Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (tiêu biểu như: múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh); phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9 - Đá Chông...; phát triển các điểm đến du lịch làng nghề như làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông... Tiêu biểu là đã tổ chức duy trì hoạt động hiệu quả không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ 19h00 thứ Sáu đến 24h00 Chủ nhật hằng tuần, tạo nên hiệu ứng tích cực cho du lịch Thủ đô…
Khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn
Từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế hàng đầu
Tính đến nay, toàn ngành có khoảng 90.500 lao động trực tiếp. Cụ thể: Khối cơ sở lưu trú có khoảng 60.000 lao động; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có 13.000 lao động; doanh nghiệp vận chuyển du lịch có 3.000 lao động; tại các cơ sở dịch vụ mua sắm, nhà hàng ăn uống đã được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch có 14.400 lao động; cơ quan quản lý du lịch từ thành phố đến cấp huyện có 114 người. Bên cạnh đó, còn có khoảng 200.000 lao động gián tiếp tham gia các hoạt động có liên quan đến hoạt động du lịch.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá trong giai đoạn từ2008 đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Sau khi mở rộng về địa giới hành chính, Hà Nội có thêm nhiều điểm du lịch phục vụ cho thị trường nội địa và quốc tế. Đây là điều kiện rất tốt để ngành du lịch Thủ đô phát triển thêm những loại hình du lịch đang có chiều hướng tốt như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch làng nghề, làng cổ… bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như: du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch phố nghề, làng nghề, du lịch tổ chức các sự kiện, hội nghị hội thảo mang tầm khu vực, quốc tế (MICE).
Hoạt động du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển; công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường; công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được tập trung; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội được bổ sung từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch. Hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi.
Mặc dù còn khó khăn, hạn chế, song du lịch Thủ đô đã chủ động triển khai các giải pháp đểgiữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thế giới.
Theo TRÀ GIANG/baovanhoa.com.vn